Không chân lấm tay bùn, không cày sâu cuốc bẫm, nhưng hàng năm nông dân này vẫn thu về một khoản lợi nhuận khá lớn từ sản phẩm nông nghiệp. Có được thành công đó chính là nhờ vào hệ thống automatic (tự động) mà ông đã dày công nghiên cứu từ nhiều năm trước và đưa vào đầu tư, ứng dụng những năm gần đây. Niềm đam mê khoa học, khát vọng làm giàu và cả trăn trở giúp nông dân quê mình vượt qua đói nghèo đã thôi thúc ông đến với con đường nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông tên là Nguyễn Văn Đẹp, thường được mọi người gọi với cái tên thân mật là Bảy Đẹp, một nông dân “automatic” hiện đang sở hữu một trang trại tọa lạc tại ấp Bến Liễu, xã Phú An, huyện Bến Cát.
Thương hiệu công nghệ Bảy Đẹp
Nghe tiếng Bảy Đẹp (xin được mạn phép gọi theo những người bạn của ông) đã lâu, nhưng chúng tôi vẫn chưa có dịp gặp mặt, vì vậy tôi quyết định xin cái hẹn và tìm đến gặp ông để được tận mắt thấy, tai nghe về người nông dân automatic và khu vườn công nghệ cao của ông. Một buổi sáng tháng 10 tiết trời đỏng đảnh, vượt gần 20 cây số sau khi đã bơm đầy xăng cho con ngựa sắt, chúng tôi tìm đến “vườn yêu” của Bảy Đẹp tại ấp Bến Liễu, xã Phú An, huyện Bến Cát theo lời hẹn. Từ ánh mắt, nụ cười và qua cái bắt tay từ ngoài cổng, tôi cảm nhận Bảy Đẹp là người giản dị, dễ gần.
Khu vườn rộng gần 2.000m2, nhưng chỉ có Bảy Đẹp và thêm 1 người bạn giúp sức, không cần nhiều người vì mọi thứ đã có máy móc làm thay
Hai ngàn mét vuông nhà lưới rộng mênh mông, nhưng chỉ có Bảy Đẹp và một người bạn cùng chăm sóc, khu vườn vắng lặng như không có người. “Hôm nay, tôi đến sớm hơn thường lệ vì đã hẹn với mấy chú, lúc này đang xuống giống, chưa thu hoạch nên rất thảnh thơi. Nói vậy chứ có thu hoạch thì cũng không vất vả gì mấy, chỉ với chiếc xe tải nhỏ chạy thẳng vào vườn rồi chất sản phẩm thu hoạch lên là xong”, Bảy Đẹp tâm sự. Trước khi đến với khu vườn công nghệ cao này, tôi cứ ngỡ nơi đây luôn có một đội ngũ công nhân thường trực, bận rộn với công việc. Ít người, ít việc nhưng lại cho năng suất cao, lợi nhuận nhiều thì quả là một mô hình đặc biệt. Như hiểu được băn khoăn của chúng tôi, Bảy Đẹp chỉ vào hệ thống tự động do chính tay ông chế tạo, nói: “Tất cả là ở đây. Chúng làm thay công việc của con người”. Qua trò chuyện, chúng tôi biết hệ thống tự động này do Bảy Đẹp tự tìm tòi, nghiên cứu và hình thành từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Đáng chú ý nhất trong hệ thống tự động này là máy pha chế, tự điều chỉnh lưu lượng nước, phân bón theo một chế độ được lập trình sẵn, nếu lượng phân bón vượt quá biên độ cho phép thì máy sẽ tự động dẫn thêm nước vào để điều hòa hoặc nhiệt độ trong nhà lưới cao quá thì máy phun sương sẽ tự động phun nước làm dịu bớt…
Bảng điều khiển hệ thống máy tưới tự động do Bảy Đẹp tự thiết kế
Có được “bảo bối” đó chính là nhờ sự giúp đỡ của một người thân làm việc trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở Úc. Nhận thấy nông nghiệp của các nước khác phát triển hơn mình chính là nhờ ứng dụng công nghệ cao, Bảy Đẹp quyết tâm mua máy pha chế tự động và mày mò, nghiên cứu cơ chế hoạt động của nó bằng cách trao đổi thư từ với người thân qua internet. Sau khi làm chủ được công nghệ này, Bảy Đẹp quyết tâm trồng các thứ rau, quả sạch bằng phương pháp thủy canh có ứng dụng công nghệ cao. Đây là phương pháp canh tác không cần đất, chỉ cần nước, phân bón kết hợp với nhà lưới có chức năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong để cây trồng phát triển.
Ngoài hệ thống tưới “automatic”, làm sao để có được mái che tự động cho cả một khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông? Suy nghĩ rồi tìm tòi, sẵn có tay nghề cơ điện từ trước, Bảy Đẹp nghiên cứu và cho ra đời hệ thống cảm biến ánh sáng, một sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống tự chế này của Bảy Đẹp gồm lưới hạ nhiệt, trục quay, mô-tơ, dây cáp… Với hệ thống này, chỉ cần một cú ấn nút là toàn bộ hệ thống lưới giảm nhiệt nằm trên cao, cách mặt đất cả chục mét tự động giăng ra hoặc thu lại. Ông cũng đã lập trình cho sản phẩm của mình cơ chế hoạt động theo cảm ứng nhiệt, nếu nhiệt độ trong vườn tăng cao thì nhà lưới tự động vươn ra che mát cho khu vườn, nhiệt độ trong vườn hạ thấp thì nhà lưới tự động cuốn lại. Vừa nghe Bảy Đẹp hướng dẫn, vừa xem ông vận hành hệ thống nhà lưới quy mô với những thao tác nhẹ nhàng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Để vận hành hệ thống nhà lưới này bằng sức người thì không biết bao nhiêu người mới đủ, trong khi chỉ bằng một cú bấm nhẹ nhàng khi đang ngồi trò chuyện, hệ thống nhà lưới vận hành trơn tru hỏi sao không mê cho được!
Sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân
Hiện “vườn yêu” của Bảy Đẹp chuyên trồng các loại rau như xà lách, dưa leo, cà chua, ớt, rau thơm và một số cây gia vị… nhưng chủ lực vẫn là cà chua, bởi theo Bảy Đẹp, nếu trồng các loại rau và cây ăn trái khác thì hạt giống phải mua, còn trồng cà chua thì giống do ông tự làm. Giống cà chua trồng tại “vườn yêu” của Bảy Đẹp do ông tự thuần chủng từ giống cà chua hoang dại thông qua cấy ghép, nên có sức chống chịu tốt hơn với thời tiết. Bảy Đẹp cho biết, địa phương mình có nhiệt độ cao, cây cà chua là thích hợp nhất, đặc biệt là giống cà chua được thuần chủng từ cà chua hoang dại. “Để làm giống cà chua, tôi phải ghép gốc cà chua hoang dại với ngọn cà chua giống. Nhờ đó, cà chua có thể phát triển tốt, khỏe hơn với chu kỳ sinh trưởng dài và cho năng suất cao. Cũng nhờ giống cà chua này mà khi vào mùa vụ, mỗi ngày trang trại của tôi thu được khoảng hơn 200kg và khách hàng lấy hết ngay trong buổi sáng với giá khoảng 20.000 đồng/kg, hàng làm ra không đủ cung cấp cho các siêu thị mặc dù đã được họ đặt trước. Hiện nay, giá cả cà chua trên thị trường đã nhích lên nhưng tôi vẫn bán với mức giá cũ…”, Bảy Đẹp tâm sự.
“Tiếng lành đồn xa”, công nghệ làm vườn tự động của Bảy Đẹp được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi. Tuy nhiên, do giá thành công nghệ còn khá cao nên nhiều nông dân sau khi tham quan cũng đành “bó tay” cho dù thèm lắm cách làm của Bảy Đẹp. Do vậy, đến nay ông chỉ mới chuyển giao công nghệ này cho một số cơ sở và hợp tác chuyển giao công nghệ cho trường Trung cấp Nông lâm Bình Dương, giúp sinh viên của trường thực hành trồng rau sạch trên quy mô diện tích khoảng năm trăm mét vuông. Trước sự “thèm thuồng” công nghệ sản xuất rau sạch của nhiều nông dân, ông cho biết đang thử nghiệm mô hình trồng rau sạch với công nghệ rẻ hơn, có thể áp dụng cho những người ít vốn, thay vì phải đầu tư nhiều tiền mua thiết bị như đang ứng dụng tại “vườn yêu” của ông. Nếu thành công, Bảy Đẹp sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân, trước tiên là những nông dân ngay tại quê nhà để họ nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chia tay Bảy Đẹp mà trong lòng chúng tôi vẫn còn vương vấn mãi với câu nói của ông: “Nông dân quê mình còn khổ lắm!”.
Mỗi năm, “vườn yêu” của Bảy Đẹp được trồng 2 vụ cà chua với năng suất khoảng 150 tấn, thu về tiền tỷ. Đó là chưa kể các loại cây trồng khác cũng cho lợi nhuận cao vì là sản phẩm sạch, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Để có được thành quả như ngày nay, ngoài công sức, Bảy Đẹp còn bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư mua sắm thiết bị, công nghệ...
TRUNG ĐỒNG