Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đã tập trung thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh (SXKD). Trong đó, phong trào vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Từ đó giúp nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả
Một trong những thành tích nổi bật của các cấp Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng đạt được thời gian qua là đã triển khai thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi. Để phong trào thi đua thực sự hiệu quả, hơn nữa, thời gian qua các cấp Hội Nông dân huyện đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; luôn xác định phong trào là động lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Trên tinh thần đó, các tổ chức hội từ huyện đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền nhiều mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ nhằm trao đổi kinh nghiệm SXKD, thị trường đầu ra cho nông sản...
Bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian qua phong trào nông dân SXKD giỏi thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phong trào đã thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và hợp tác xã (HTX) phát triển. Qua hoạt động phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong SXKD giỏi, tạo động lực để các hộ nông dân quyết tâm hơn nữa để mang lại hiệu quả cao hơn trong SXKD.
Hội Nông dân xã Định Hiệp phối hợp hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc nấm
Quả thật, chưa lúc nào trên địa bàn huyện có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp như lúc này. Nhiều mô hình trong đó đã khẳng định được hiệu quả nhờ cách làm sáng tạo và khoa học, phù hợp với điều kiện địa phương. Có thể kể đến những mô hình nông nghiệp tiêu biểu, như: Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Tiến Hiếu (xã Long Tân); trồng cam, bưởi của ông Tô Văn Quốc (xã Thanh Tuyền), hay nuôi chim yến gắn với thu mua mủ cao su của bà Vũ Thị Tuất (xã Minh Tân).
Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư vốn và khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt như mô hình chăn nuôi gà lạnh và trang trại cao su, nuôi trăn, cá sấu của ông Lê Quang Minh (xã An Lập); trang trại gà lạnh của hộ Lưu Thị Ánh Loan (xã Minh Hòa), hay mô hình nuôi chim yến, cao su, sầu riêng của ông Hồ Văn Thương (xã Minh Thạnh). Nhiều hộ chú trọng đầu tư phát triển cây có múi như trồng cam, măng cụt của hộ ông Cao Văn Chinh (xã An Lập), mô hình trồng sầu riêng, măng cụt của ông Nguyễn Văn Tỵ (xã Thanh Tuyền), hay hộ ông Nguyễn Thành Đông (xã Thanh An) với mô hình trồng bưởi da xanh… và còn nhiều nữa những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua huyện Dầu Tiếng đã chú trọng triển khai thực hiện nhiều chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các đơn vị, địa phương trong huyện và bản thân người nông dân cũng đã có nhiều nỗ lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Cùng với các phong trào thi đua SXKD giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế... huyện đã triển khai xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đồng thời xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Đây cũng là những hoạt động cụ thể hóa chương trình hành động của Hội Nông dân tỉnh về “thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5-8-2019 của Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ, hội nông dân nghề nghiệp”.
Trên tinh thần đó, các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan đã thành lập các HTX để liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ nhau... Đến nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý 18 HTX với gần 200 xã viên. Bên cạnh đó, 11 cơ sở hội đã thành lập hàng chục HTX với hàng trăm xã viên. Các HTX được thành lập với nhiều ngành nghề đa dạng nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, như: HTX cây cảnh, nuôi dê, trồng cây có múi, yến sào, nuôi bò, vận tải... Nhiều HTX đã khẳng định được hiệu quả SXKD mang lại lợi nhuận cho xã viên. Bên cạnh đó, huyện còn thành lập 77 tổ hợp tác với gần 700 thành viên và 26 chi hội nghề nghiệp với trên 300 thành viên.
Bà Lê Vân Anh cho biết việc xây dựng mô hình liên kết, hợp tác là nhiệm vụ được các cấp hội quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình về trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới đã phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân. Bà Anh cho biết thời gian tới các cấp hội sẽ phối hợp các ngành liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; đồng thời phối hợp các ngành tạo điều kiện để vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp cũng như tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng cũng sẽ tiếp tục phối hợp Hội Nông dân tỉnh, các ngành có liên quan tổ chức giải ngân các nguồn vốn vay cho nông dân nhằm xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, duy trì và đầu tư các hình thức hợp tác và các ngành nghề phù hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
TRÍ DŨNG - TÚ BÌNH