Tiếp tục lấy nông nghiệp làm thế mạnh của địa phương, huyện Phú Giáo đang chuyển mình sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai phát triển du lịch sinh thái, tạo nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Giáo hướng đến công nghệ cao
Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao
Năm 2020, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của huyện ước thực hiện hơn 4.486 tỷ đồng, tăng 6,81% so cùng kỳ, vượt so kế hoạch năm từ 5,5 - 6,5%. Cơ cấu sản xuất giữa trồng trọt và chăn nuôi là 52,8% và 47,2%. Điều này minh chứng kinh tế nông nghiệp của huyện tiếp tục là mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện tiếp tục đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm “kim chỉ nam” để tạo đà phát triển cho huyện nhà. Đến nay, trên địa bàn huyện có 179 cơ sở, trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 66 mô hình so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, gồm 120 mô hình trồng trọt với 13 trang trại VietGAP, 59 mô hình chăn nuôi với 3 trang trại VietGAP. Ước tính giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 75 triệu đồng/ha đất canh tác. Riêng vùng cây ăn trái nói chung có giá trị sản xuất đạt từ 500 triệu đồng trở lên tùy theo thời vụ và sự biến động của giá cả thị trường.
Trên địa bàn huyện có tổng diện tích cây lâu năm đạt 37.614 ha, tăng bình quân hàng năm 0,25%. Cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm ở những khu vực thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh phát triển cây chủ lực là cao su, huyện còn hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ven sông, suối. Cây cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt là các loại cây ăn trái chủ lực, với diện tích khoảng 1.300 ha. Hiện trên địa bàn huyện, các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Kết hợp phát triển du lịch sinh thái
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết huyện có nhiều tiềm năng phát triển kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch sinh thái. Cụ thể, một số thắng cảnh chưa được khai thác như suối Rạt, suối Bà Mụ hay du lịch văn hóa, tâm linh, với các điểm như cầu gãy sông Bé, chùa Bửu Phước, dinh tỉnh trưởng Phước Thành… hiện đang được huyện xây dựng và triển khai trong kế hoạch vận dụng kết hợp thế mạnh của địa phương.
“Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương chưa được khai thác tốt, làm lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có. Chính vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo ngành chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phát triển du lịch ở địa phương, nhất là du lịch sinh thái, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và thực hiện “Chương trình hành động phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái của huyện Phú Giáo giai đoạn 2016-2020” là một hướng đi đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược, vừa tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai”, ông Đoàn Văn Đồng chia sẻ.
Ông Đồng cho biết thêm, sau 5 năm thực hiện chương trình đã đạt được những bước tiến tích cực, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển đúng định hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Đây là tiền đề để tạo đà cho bước tiếp theo trong chương trình hành động của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025. Để đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thời gian qua, huyện đã và đang triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới, đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao. Huyện cũng liên kết với các công ty du lịch để thu hút du khách đến vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn; kết hợp nông nghiệp công nghệ cao với du lịch qua những dịch vụ như mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí…
Cùng với đó, địa phương sẽ xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái tại các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có gắn với việc khai thác du lịch trên lòng hồ Phước Hòa. Tiềm năng của địa phương khá lớn để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, tuy nhiên thời gian qua các điểm du lịch của huyện chưa hoạt động ổn định, chưa tạo sức hút du khách bởi nhiều yếu tố. Để có chiến lược phát triển du lịch bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tổ chức khảo sát khu đất phát triển khu du lịch sinh thái suối Rạt thuộc địa bàn xã An Bình, xây dựng phương án thu hồi đất để đầu tư xây dựng quần thể khu di tích cầu gãy sông Bé trên địa bàn xã Vĩnh Hòa và Phước Hòa. Để thực hiện tốt kế hoạch nói trên, trước mắt huyện sẽ xây dựng thêm một số mô hình thí điểm, như trang trại sinh thái dọc sông, suối... tạo điểm tham quan cho du khách, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tạo chuỗi giá trị nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Có thể xem đây là một giải pháp vừa phát triển nông nghiệp và phát triển du lịch, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân nông thôn.
MINH DUY