Nông thôn ngày một khởi sắc, mạnh giàu

Cập nhật: 17-01-2024 | 05:51:28

Những năm qua, huyện Bàu Bàng đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025. Quá trình xây dựng NTM của huyện gắn với mục tiêu phù hợp với định hướng hóa đô thị, tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển hàng hóa…

Nhiều mô hình hiệu quả

Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng trên địa bàn huyện, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trên địa bàn huyện đã có hàng loạt mô hình được triển khai có hiệu quả, như: “Tổ tự quản an toàn giao thông”, “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”, “Nông dân giỏi giúp nông dân nghèo vượt khó”, mô hình “Trang trại tổng hợp”, “CLB giúp nhau phát triển kinh tế”…

Hiện trên địa bàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm Cây Trường II, Lai Hưng và Long Nguyên; 3 xã Hưng Hòa, Tân Hưng, Trừ Văn Thố đang trình UBND tỉnh thẩm định. Để quyết tâm về đích xã NTM nâng cao, chính quyền và nhân dân các địa phương đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình hay, hiệu quả gắn liền với tình hình thực tế từng địa phương.

Ông Cao Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, cho biết qua hơn 7 năm triển khai xây dựng NTM nâng cao, giai đoạn 2016 đến giữa năm 2023, địa phương luôn nhận được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, kinh tế - xã hội xã Tân Hưng đã có những chuyển biến, thay đổi rõ nét. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 75/75 chỉ tiêu và19/19 tiêu chí NTM nâng cao.   

Chương trình OCOP góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. Trong ảnh: Sản phẩm dưa lưới của HTX Nông nghiệp, dược liệu HTP Green đạt OCOP 3 sao

Những mô hình như trồng cây xanh, tuyến đường hoa... đã góp phần làm diện mạo nông thôn thêm khang trang, khởi sắc, môi trường nông thôn thêm xanh - sạch - đẹp. Ông Nguyễn Long Giang, người dân sinh sống tại đường Tân Hưng 25, xã Tân Hưng, chia sẻ: “Chương trình xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn. Đường sá sạch sẽ, thông thoáng, người dân đi lại thuận tiện, chợ, trường học, hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư, người dân rất phấn khởi”.

Nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng

Thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng nhiều nội dung và giải pháp thiết thực. Năm 2022 trên địa bàn huyện có 7 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt 3 sao, gồm: Bưởi da xanh - Trang trại Mai Quốc xã Cây Trường; Dưa leo rừng muối - Công ty TNHH Tiệm vàng Bảo Phước, xã Lai Hưng; Tổ yến sạch tinh chế - Hộ kinh doanh Phùng Đình Hùng xã Hưng Hòa; Tổ yến nguyên chất - Hộ kinh doanh Lê Thị Hoa xã Tân Hưng; Cải ngọt - Tổ hợp tác rau an toàn nhà lưới xã Trừ Văn Thố; Lạp xưởng cô giáo Phượng xã Long Nguyên; Dưa lưới - Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dược liệu HTP Green thị trấn Lai Uyên.

Với diện tích canh tác khoảng 16.000m2 gồm 15 nhà lưới trồng dưa lưới, HTX nông nghiệp, dược liệu HTP Green là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn huyện. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc HTX, cho biết: “Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sản phẩm dưa lưới của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, tạo cơ hội cho các chủ thể tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế.

Năm 2023, Hội đồng đánh giá OCOP cấp huyện đánh giá và phân hạng cho 9 sản phẩm đạt 3 sao, gồm 6 sản phẩm rau quả sạch Hưng Thịnh, xã Lai Hưng; Cơm cháy Bảo Anh; Chả lụa Hữu Bình; Lạp xưởng Tạo Hùng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao các cấp. Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương; đồng thời khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo lãnh đạo huyện, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Chương trình nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thời gian tới, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện ưu tiên bố trí tập trung nguồn vốn cho lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống địa phương, bảo đảm an ninh trật tự. Ngoài ra, huyện bố trí một phần vốn để nâng cấp, hoàn thiện các tiêu chí nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn để đạt chuẩn theo quy định.

 HẠNH NHI - PHÚ HÀO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=453
Quay lên trên