Nước Nga, xa mà gần

Cập nhật: 04-11-2013 | 00:00:00

 Bài 1: Kỷ niệm về xứ sở Bạch Dương

 Những ngày cuối thu này, trong tâm trí của nhiều người, hình ảnh một nước Nga oai hùng mà xinh đẹp lại có dịp tràn về. Ký ức về xứ sở của cuộc Cách mạng Tháng 10 vĩ đại một lần nữa đưa họ sống lại những ngày quá khứ ấm áp và đầy ắp kỷ niệm…

Ký ức không phai

Nhiều người Bình Dương đã lên đường sang Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay để tìm “vốn liếng” kiến thức làm hành trang giúp ích cho quê nhà. Dẫu biết xa quê nhà lắm gian nan, vất vả nhưng trách nhiệm với quê hương, với gia đình, các cán bộ được cử qua nước bạn học tập đã vượt lên tất cả vì họ hiểu rằng, sứ mệnh của mình đang được quê hương kỳ vọng.    Ông Bùi Hữu Phong (trái) đang chia sẻ kỷ niệm của những ngày du học ở Nga với phóng viên Báo Bình Dương

“Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua nhanh, bởi ở đó họ đã nhận được những tình cảm và tấm lòng ấm áp của những người dân Nga hiền lành và mến khách. Đó cũng là những ký ức đầu tiên của mỗi con người đến đây, để rồi luyến tiếc, để rồi hoài niệm mỗi khi nhắc đến nước Nga xa xôi mà rất đỗi gần gũi này”, ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bình Dương, người đã từng học tập ở Nga tâm sự.

Trong số những người Bình Dương được sang Liên Xô trước đây học tập, ông Võ Ký, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sông Bé có lẽ là người thuộc lớp du học sinh đầu tiên của tỉnh sang học tập, tu nghiệp ở nước bạn. Tính từ lúc trở về từ Nga năm 1966 đến nay đã gần 50 năm, vậy mà nhắc đến nước Nga xa xôi ông vẫn không khỏi xúc động bồi hồi. Dường như những ký ức về đất nước này luôn sống trong ông từng ngày. Vừa đeo chiếc kính cận đôi bàn tay ông vừa sờ nhè nhẹ lên khuôn mặt của từng người trong bộ sưu tập ảnh ông đã gìn giữ suốt nhiều năm qua. Đó là chân dung những người bạn Nga, những thầy cô người Nga đã từng dạy ông. Đây là Phó Giáo sư Sophia Sepakov, người thầy và cũng là người chị cả; còn đây là Aslasa, người bạn cùng trường, rồi đến những người Việt cùng trang lứa như Chu Tam Thức, Lê Minh Châu… Tất cả họ được ông lồng vào một bộ album trang trọng đặt ở một vị trí mà bất kỳ ai bước vào một căn nhà mang dáng dấp Nga, thênh thang lối ra vào trên đường 30-4, TP.TDM đều có thể nhận ra.

Dừng ngón tay run trên bức chân dung của Phó Giáo sư đáng kính - bà Sepakov, giọng ông Ký chầm chậm: “Chị ấy lo cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy từng từ, thuật ngữ chuyên ngành kinh tế tôi theo học. Chị thấu hiểu, yêu mến tôi đến lạ thường, chị xem như người em ruột. Mấy chú cần biết, người Nga thông minh, tốt bụng và rất thật thà, mến khách. Tôi tìm thấy bản tính người dân Nam bộ của nước mình ở người Nga, vì thế rất ấm lòng khi được gần gũi, gắn bó với họ”, ông Ký nhớ lại.

Mùa thu Mátxcơva

Tình cảm ấm áp lạ thường ấy cũng là cảm xúc của ông Phong khi nói về những người bạn Nga. Ông Phong đến Nga du học năm 1981, khi ấy mới bước vào tuổi 23 với nhiều bỡ ngỡ. Nhưng trái tim thân thiện, tỏa sáng của người Nga đã dìu bước chàng trai nhỏ nhắn đến từ Việt Nam này. Ở đó, giáo sư I Chilisa dạy ông học, chăm lo cho ông từ những việc nhỏ nhất. Người bạn Nga cùng lớp, cùng phòng Alex đã nhiều đêm kể cho ông nghe về đất nước Nga tươi đẹp. “Alex thậm chí còn đơm lại từng nút áo sứt của tôi như người mẹ hiền, lo cho tôi từng viên thuốc những khi trái gió trở trời, rồi dìu tôi hòa nhịp vào khúc hát của bài ca đất nước Nga - Cachiusa…”, ông Phong tâm tình.    Ông Võ Ký xem lại hình ảnh những người thầy, người bạn của mình khi ở Nga

Những ngày cuối thu là những ngày phong cảnh nước Nga vô cùng đẹp. Ông Phong thổ lộ: “Mấy em biết không, thời tiết ở đó cả 4 mùa đều là mùa kỷ niệm, nhưng những ngày mùa thu này thời tiết ở Nga đẹp nhất trong năm. Thả bước nhẹ nhàng trên những hàng bạch dương màu vàng mơ vây phủ lối đi, những âm thanh của lá khô rơi xào xạc như níu kéo, như dìu bước chân ai đi, còn bầu trời thì xanh lãng đãng; những làn mây trôi hờ hững, bơ vơ khiến cho những người xa nhà dù có kìm nén cũng phải để lệ tuôn rơi”.

Đã 27 năm trôi qua, ông Phong vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm khi nhắc đến những ngày tháng sống ở Nga. Nhớ hình bóng loang loáng của viên gạch ốp tường caro, những ngày lên lớp seminar cười vui như mở hội. “Nếu có được giấc mơ đẹp, tôi cũng không thể nào mơ mình lại có những ngày quá đẹp ở Mátxcơva”, ông Phong chia sẻ.

Đó cũng là những điểm chúng tôi bắt gặp ở những người Bình Dương du học trở về từ Nga. Như ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Bí thư Đảng ủy khối Cơ quan Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, hay anh Nguyễn Hồng Nghĩa, thạc sĩ hóa học vừa tốt nghiệp từ Nga trở về, hiện cũng đang công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng.

Có một điểm chung rất dễ bắt gặp ở những người được học tập ở Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay là dù thời gian đến Nga học tập, làm việc của họ qua các giai đoạn, thời gian khác nhau nhưng họ đã tiếp thu và xây dựng được những cái đẹp, cái hay trong công việc, trong ứng xử và nhất là hiệu quả trong công việc. “Người Nga trực tính, tốt bụng, cởi mở, chân tình như người Nam bộ mình vậy. Cái đáng quý ấy mình cần tiếp thu, vận động vào công việc của mình khi về quê hương”, ông Ký chia sẻ.

Chúng tôi chưa đến Nga, nhưng sự kỳ diệu của đất nước, con người ở đây qua những lời chia sẻ của những cựu du học sinh Bình Dương như bản tình ca chứa nhiều cảm xúc, nhiều cung điệu, làm cho lòng người lưu luyến khi phải cách xa.

Bài 2: Hành trang của cuộc đời

 HÒA NHÂN - TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên