OCOP - nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Cập nhật: 27-11-2020 | 10:00:38

Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cũng như thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mô hình trồng ổi theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo)

Hướng đi tất yếu

Chương trình OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Trước mắt, mỗi huyện, thị, thành phố chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 1 - 2 dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị, lựa chọn 2 - 3 sản phẩm lợi thế nhất để tập trung hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì, mẫu mã, nhãn hàng hóa sản phẩm nhằm đánh giá, xếp hạng theo quy định. Chủ động lồng ghép các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình.

Hiện nay, Chương trình OCOP đã triển khai tại 4 huyện, thị: Bắc Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo, Bàu Bàng. Kết quả, có 37 sản phẩm tiềm năng; trong đó có 14 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao, 23 sản phẩm đạt tiềm năng 3 sao. Đởn cử, tại huyện Bắc Tân Uyên, để triển khai đạt kết quả, huyện ban hành quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, huyện đã tổ chức chấm điểm cho 30 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Kết quả đã có 23 sản phẩm, gồm: Cam, bưởi, quýt, dưa lưới, nấm bào ngư, đậu đen xanh lòng, cà phê rang xay, bánh mì đạt sản phẩm tiềm năng tham dự cấp tỉnh (đạt 3 sao). Hiện nay, Hội đồng đánh giá đang phối hợp các chủ thể để hoàn thiện hồ sơ tham dự cấp tỉnh. Đối với các sản phẩm chưa đạt sản phẩm tiềm năng dự thi cấp tỉnh, Hội đồng sẽ phối hợp chủ thể thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ để tham dự đánh giá, phân hạng trong thời gian tới.

Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết việc phân hạng sản phẩm căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo bộ tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng sao. Trong đó, đạt hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; hạng 2 sao sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, hạng 1 sao là sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: Cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương. Tất cả các sản phẩm tham gia OCOP bắt buộc phải tham gia đánh giá, phân hạng. Thông qua việc đánh giá, xếp hạng này người dân sẽ hiểu được yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm. Từ đó nghiên cứu phát triển, cải tiến sản phẩm, triển khai tổ chức sản xuất và kinh doanh, để được xếp hạng cao hơn. Mặt khác, đây là cơ sở để cơ quan quản lý các cấp tư vấn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế, thực hiện chu trình OCOP xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại...

Còn nhiều thách thức

Các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu và ghi dấu ấn tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, cho biết việc tham gia chương trình là rất cần thiết. Các mặt hàng của hợp tác xã nếu được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ có thương hiệu, được tham gia hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, có cơ hội mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, cho biết một trong những tiêu chí khắt khe của OCOP đòi hỏi người nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong sản xuất. Đổi lại khi có sao OCOP, nông sản có cơ hội vươn tầm. Tuy nhiên, một số khó khăn hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện là nhiều sản phẩm của chủ thể đăng ký lập hồ sơ dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản phẩm, chưa phân tích kiểm nghiệm cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa có nhãn hiệu, công tác quảng bá xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Ông Văng Phước Hậu, cho biết bước đầu tỉnh tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm OCOP dựa trên các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể, làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở danh mục các sản phẩm thế mạnh đã được thống kê, sản phẩm tham gia OCOP của tỉnh tập trung ở 6 nhóm sản phẩm chính (thực phẩm; đồ uống; dược liệu; vải và may mặc; trang trí, nội thất, lưu niệm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch).

Để khắc phục những tồn tại và đánh thức tiềm năng sẵn có tại địa phương, tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Ông Văng Phước Hậu cho biết với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn, tổ tư vấn cùng sự hưởng ứng tham gia của các chủ thể có sản phẩm tham gia, đã đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện chương trình OCOP. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP; giới thiệu các đơn vị tư vấn có năng lực để hỗ trợ các địa phương cũng như các chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các đối tượng là quản lý, cán bộ chuyên môn tham gia trực tiếp hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể sản phẩm.

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đang từng bước được triển khai thực hiện với kỳ vọng các sản phẩm tiềm năng sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất và giá trị sản phẩm, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần vào thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Trung tâm của chương trình OCOP là sản phẩm và dịch vụ, được chia thành 6 ngành hàng, gồm đồ ăn; đồ uống; hàng lưu niệm - thủ công mỹ nghệ; thảo dược; vải và sản phẩm may mặc; du lịch - dịch vụ. “Xương sống” của OCOP là “Chu trình OCOP thường niên”, được thực hiện liên tục, lặp đi lặp lại hàng năm. Theo chu trình này, các sản phẩm phải do người dân đề xuất, Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ. Các sản phẩm tham gia chương trình bắt buộc phải được đánh giá (chấm điểm) và phân hạng sao (1 - 5 sao) theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết
Tags
OCOP

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=865
Quay lên trên