Ở phường Bình Hòa, TX.Thuận An hiện có 22 chị em phụ nữ làm nghề đan sản phẩm bằng nhựa giả mây tre. Do điều kiện gia đình nên các chị em ở nhà nội trợ, đưa rước con đến trường và không thể đi làm ở các công ty. Nhờ công việc này họ đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Chị Nhung thực hiện một công đoạn đan sản phẩm bằng nhựa giả mây tre
Bà Vân, người đã gắn bó với nghề mây tre đan 24 năm ở phường Bình Hòa, chia sẻ: “Làm nghề này, tôi thường đến công ty chuyên sản xuất sản phẩm mây tre để nhận gia công sản phẩm tại nhà. Đến nay, hầu hết các thành viên trong gia đình tôi đều biết đan mây tre. Tôi rất thích nghề này, nên khi nghỉ 1 ngày là tôi thấy nhớ lắm. Có lẽ vì thế mà tôi sẽ làm nghề này đến khi nào không làm nổi nữa thì mới ngưng”. Không chỉ là một thợ giỏi, đam mê với nghề, để giúp các chị em phụ nữ có thêm việc làm, tăng thu nhập trong thời gian rảnh rỗi, bà Vân còn nhận thêm hàng rồi hướng dẫn cho các chị em khác cùng làm.
Chị Hồ Thị Nhung, ở khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa theo nghề đan mây tre đã được 12 năm. Hai vợ chồng chị quê ở Bến Tre lên Bình Dương lập nghiệp. Trước đây chị là công nhân cho một công ty sữa, nhưng từ khi sinh con chị phải nghỉ việc, ở nhà để chăm sóc con và gia đình. Chị Nhung được một chị trong khu phố giới thiệu công việc nhận nguyên liệu làm các sản phẩm bằng nhựa giả mây tre từ công ty về làm gia công. Thấy công việc phù hợp với điều kiện của mình nên chị đã nhận hàng mây tre về đan để kiếm thêm thu nhập. “Nghề đan sản phẩm nhựa giả mây tre không gò bó về thời gian, tôi có thể ở nhà làm nội trợ, đưa đón con đi học rồi làm việc này trong những lúc rảnh rỗi. Hơn nữa học đan không khó, chỉ cần cẩn thận, chịu khó là được. Hiện chồng và hai con trai tôi cũng làm thêm nghề này trong lúc rảnh rỗi”, chị Nhung tâm tình.
Cũng như chị Nhung, chị Lý Thị Thúy Hạnh, ở khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa cùng hoàn cảnh ở nhà đưa rước hai con đi học mỗi ngày nên chị đã nhận hàng về làm tại nhà. Chị Hạnh cho biết làm nghề đan này được cái thuận tiện là mang nguyên liệu về nhà để làm. Chính vì thế, nghề này phù hợp với những người có hoàn cảnh như chị.
Nghề đan gia công sản phẩm nhựa giả mây tre đã góp phần ổn định cuộc sống gia đình cho nhiều chị em phụ nữ ở phường Bình Hòa. Hiện mỗi sản phẩm có mức tính giá công đan khác nhau và tùy thuộc vào kỹ thuật đan khác nhau. Có sản phẩm chỉ 5.000 - 6.000 đồng, nhưng cũng có sản phẩm được trả trên 10.000 đồng. Theo bà Vân, nhờ vào việc nhận đan gia công sản phẩm này mà bà đã có tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện bình quân mỗi tháng bà có thu nhập 5 triệu đồng từ việc đan sản phẩm, góp phần ổn định cuộc sống gia đình.
Còn chị Nhung cho biết bình quân mỗi ngày chị có thu nhập 100.000 đồng, có ngày 150.000 đồng từ nghề đan này. Nhờ đó chị đã cải thiện chất lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa cơm cho gia đình, đồng thời có thêm tiền để mua đồ dùng học tập cho hai con.
Bà Võ Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Bình Hòa, cho biết để hoạt động hội thu hút được nhiều chị em tham gia, thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với cơ sở mây tre đan giúp các hội viên học hỏi, thực hành, tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình của các chị em.
PHƯƠNG LÊ