Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Giảm số trạm thu phí BOT nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp

Cập nhật: 01-10-2018 | 08:59:37

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã thành công trong việc dùng vốn ngân sách mua lại các trạm thu phí BOT (Xây dựng - Vận hành- Chuyển giao) rồi dỡ bỏ nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục dùng vốn ngân sách để mua lại một số trạm thu phí, rồi sắp xếp, bố trí lại theo hướng tiếp tục giảm số trạm tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

 Đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: DUY CHÍ

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết Đề án sắp xếp, bố trí lại số trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh do sở soạn thảo đã được UBND tỉnh phê duyệt sau nhiều lần tổ chức tham khảo ý kiến đóng góp của các sở, ngành. Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục dùng vốn ngân sách mua lại một số trạm thu phí đường bộ BOT do doanh nghiệp đầu tư theo hướng xã hội hóa, rồi tổ chức sắp xếp, bố trí lại trên tinh thần giảm số trạm một cách khoa học, hợp lý. Việc sắp xếp, bố trí lại trạm BOT trên địa bàn tỉnh là nhằm trực tiếp góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một gia tăng mà cử tri, đại biểu HĐND và các địa phương trong tỉnh đã nhiều lần phản ánh.

- Xin ông cho biết rõ hơn về thời gian thực hiện đề án, cũng như số lượng trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh sẽ được cắt giảm, sắp xếp lại như thế nào?

- Theo phê duyệt của UBND tỉnh, Đề án sắp xếp, bố trí lại số trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ được triển khai áp dụng giai đoạn 2019-2020. Như đã nói ở trên, việc sắp xếp, bố trí lại các trạm BOT trên địa bàn sau khi được UBND tỉnh mua lại phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý; góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí, thời gian và hiệu quả vận hành cho người dân và doanh nghiệp, nên cần được thí điểm trước khi đưa vào áp dụng đồng bộ.

Trước mắt, nhằm giải quyết áp lực lên trục giao thông Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn mà cử tri, doanh nghiệp đã phản ánh, đề án cho phép tháo dỡ Trạm thu phí Suối Giữa trên đại lộ Bình Dương, đồng thời bố trí trạm BOT trên trục Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn do Tổng Công ty Becamex - CTCP làm chủ đầu tư nhằm thu hồi vốn cũng như duy trì công tác duy tu, bảo dưỡng công trình trong quá trình sử dụng. Xin được khẳng định rằng việc bố trí trạm BOT trên tuyến này là chỉ thu phí đoạn Bàu Bàng - Mỹ Phước do Tổng Công ty Becamex - CTCP làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, cho nên giá thu phí của đoạn này cũng như các trạm thu phí BOT khác trên địa bàn đều thấp hơn so với quy định của Bộ Giao thông - Vận tải. Cụ thể, với xe cơ bản Bộ Giao thông - Vận tải quy định 35.000 đồng/lượt thì ở đây chỉ thu 10.000 đồng/lượt; xe container Bộ Giao thông - Vận tải quy định 180.000 đồng/lượt thì ở đây chỉ thu 40.000 đồng/lượt.

Việc sắp xếp các trạm BOT sẽ trực tiếp góp phần điều tiết, phân luồng, giảm áp lực lên một số tuyến đường giao thông trên địa bàn đã mãn tải, phù hợp với nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp về việc giải quyết ùn tắc giao thông. Việc giải tỏa được áp lực, giảm ùn tắc, rút ngắn được cự ly di chuyển bằng bài toán kinh tế với chi phí rất thấp nhưng mang lại hiệu quả đa chiều là mục tiêu của đề án nói trên, nhằm tạo sự đồng thuận và hài lòng của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Bên cạnh các lợi ích như đã nêu, ban soạn thảo đề án có thấy và lường trước những mặt hạn chế có thể tác động đến người dân, doanh nghiệp không, thưa ông?

- Trên tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, các cấp chính quyền trong tỉnh nói chung và Ban soạn thảo Đề án sắp xếp, bố trí lại số trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh nói riêng, luôn suy nghĩ làm sao khi triển khai đề án sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng, cho xã hội và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi cho người dân, doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Ban soạn thảo đề án đã thấy được rằng giai đoạn đầu triển khai đề án, một số trạm BOT bị xóa bỏ, số lao động dôi dư sẽ mất việc cần được bố trí lại; sẽ có một số ít người dân, doanh nghiệp do chưa thông hiểu hết ý nghĩa, mục đích của đề án sẽ nảy sinh thắc mắc.

Giải pháp khắc phục những vấn đề nói trên là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thấy được ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của đề án, trong đó có phần lợi ích của bà con. Cùng với đó, phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp tái bố trí lại lao động; tạo sự đồng thuận, hợp tác, chia sẻ Nhà nước, người dân, doanh nghiệp vì mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

DUY CHÍ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=534
Quay lên trên