Chính trường Pakistan đang rơi vào hỗn loạn trong khi phải chờ đợi phán quyết của Tòa án Tối cao về việc Thủ tướng Imran Khan tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Ông Khan đang ở thế dựa lưng vào tường, phải chât vật giữ vị trí sau khi mất thế đa số, đồng thời đối mặt nguy cơ bị phế truất bằng lá phiếu trong Quốc hội.
Tình trạng khủng hoảng trên chính trường Pakistan tiếp tục sau khi Tòa án Tối cao hôm 4-4 quyết định hoãn đưa ra phán quyết đối với việc Thủ tướng Khan giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm có “hợp hiến hay không”. Ông Khan có những động thái nêu trên sau khi động thái bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông do phe đối lập vận động tiến hành đã bị Phó Chủ tịch Quốc hội chặn lại với lý do “không hợp hiến”.
Ông Imran Khan giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử sớm
Phe đối lập phản ứng bằng cách cáo buộc ông Khan tội “phản quốc” và yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét, ra phán quyết đối với động thái giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử của ông “hợp hiến hay không”. Nếu tòa án phán quyết cho rằng động thái của ông Khan là hợp hiến thì đó là chuyện bình thường và ông sẽ có thêm thời gian để “chiến đấu” với phe đối lập đang muốn phế truất ông. Ngược lại, nếu tòa án ra phán quyết ông “vi hiến” thì có nghĩa là ông sẽ phải đối mặt với việc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội. Cuộc giằng co đang khiến cho tòa án khó đưa ra quyết định ngay thời điểm này để giữ ổn định đất nước sau thời gian dài khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cho dù tòa án ra phán quyết động thái của ông Khan có hợp hiến hay không thì Chính phủ Pakistan cũng chấm dứt tồn tại do Quốc hội đã bị giải tán. Điều này nói lên một thực tế rằng trong chính trường Pakistan từ khi nước này độc lập cách đây 75 năm, chưa từng có vị thủ tướng nào tồn tại trọn một nhiệm kỳ. Hầu hết các Thủ tướng Pakistan đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều hành đất nước, với phe đối lập luôn tìm cách gây bất ổn.
Đối với ông Khan, những vấn đề khó khăn đã bắt đầu xuất hiện từ khi ông lên nắm quyền sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử có nhiều cáo buộc gian lận. Ông từ một ngôi sao bóng chày quốc tế trở thành chính khách hàng đầu, giành chiến thắng trong bầu cử đã khiến các đối thủ không “tâm phục khẩu phục”.
Vấn đề đã trở nên khó khăn hơn sau thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra kéo dài trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch đã tác động xấu đến nền kinh tế. Trong khi đó, phe đối lập dựa vào các khó khăn của nền kinh tế đưa ra cáo buộc ông sai lầm trong điều hành kinh tế nên đã khiến cho giá nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu tăng cao, lạm phát 2 con số và dự trữ ngoại hối tụt giảm mạnh. Phe đối lập bắt đầu gây sức ép đòi ông từ chức nhưng Thủ tướng Khan kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình.
Thêm vào đó là việc ông Khan không duy trì tốt các mối quan hệ trong hợp tác điều hành công việc khiến một số đồng minh trong chính phủ quay lưng, rời bỏ đảng của ông để gia nhập hàng ngũ đối lập. Việc này đã khiến ông Khan mất đi thế đa số trong Quốc hội và có nguy cơ đối mặt với việc bị phe đối lập phế truất.
Thực tế diễn ra đúng như thế. Ngày 8-3, phe đối lập đã nộp hồ sơ yêu cầu mở cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội đối với tư cách thủ tướng của ông Khan. Một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra, ông Khan đã vận động các đồng minh trong Quốc hội ngăn chặn cuộc bỏ phiếu. Ngay sau đó, ông Khan đã yêu cầu Tổng thống Pakistan Arif Alvi giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm.
Trong khi đó, đã xuất hiện một diễn biến bất ngờ với việc ông Khan cáo buộc phe đối lập cấu kết với Mỹ “đe dọa” ông, cáo buộc Mỹ can thiệp vào tiến trình chính trị nội bộ Pakistan. Tuy nhiên, giới ngoại giao sau đó cho rằng đã có một bức thư từ Đại sứ Mỹ tại Pakistan mang tính chất “đánh giá tình hình” chứ không phải là “lời đe dọa” từ Chính phủ Mỹ như cáo buộc. Người ta cho rằng ông Khan đã lợi dụng tình cảm chống Mỹ sẵn có của người dân Pakistan và đưa ra cáo buộc này nhằm mượn sự ủng hộ của dân chúng để chống lại phe đối lập.
Mặt khác, ông Khan cũng được cho là đã đánh mất sự ủng hộ rất quan trọng của quân đội - một nhân tố “dựng vua” truyền thống trong chính trường Pakistan. Chính quân đội là lực lượng đã hậu thuẫn đưa ông Khan lên nắm quyền vào năm 2018. Vậy mà, giờ đây quân đội không còn ủng hộ ông nữa. Đây là điều mà giới quan sát cho rằng rất nguy hiểm đối với sự lãnh đạo của ông Khan trên cương vị thủ tướng. Trong lịch sử Pakistan những năm gần đây, các lãnh đạo Chính phủ Pakistan thường dễ mất ghế nếu mất đi sự ủng hộ quan trọng của quân đội.
Nguyên nhân của sự rạn nứt giữa ông Khan và quân đội được cho là do việc ông Khan theo đuổi chính sách đối ngoại “phi truyền thống”, chuyển hướng từ quan hệ thân Mỹ sang kết thân với Trung Quốc và cả Nga. Chính sự lạc nhịp trong chính sách đối ngoại này khiến Pakistan trở thành quốc gia “ít thân thiện” với Mỹ, đồng thời mất đi một số nguồn viện trợ quan trọng của Mỹ, dặc biệt là về quân sự. Đây cũng chính là nguồn gốc xuất hiện bức thư ngoại giao mà ông Khan cho rằng mang nội dung “đe dọa” ông.
Giới phân tích đưa ra một số kịch bản, trong đó đều rơi vào tình huống Tòa án Tối cao sẽ phán quyết động thái giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm của Thủ tướng Khan là vi hiến thì sẽ có 3 hướng quyết định, một là buộc ông Khan phải đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tin nhiệm, hai là vẫn giữ nguyên quyết định giải tán Quốc hội chờ bầu cử và ba là không đưa ra phán quyết nào. Trong tình huống thứ ba, theo luật định thì sau 90 ngày người dân Pakistan sẽ phải đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới.
Khả năng ông Khan giành chiến thắng nếu bầu cử lại được đánh giá là rất cao, bởi ông hiện vẫn còn được đa số người dân Pakistan, nhất là dân nông thôn ủng hộ. Người ta cho rằng đường lối chính trị Hồi giáo dân túy của ông rất mới so với các quốc gia trong khối Hồi giáo. Tuy nhiên, việc ông Khan giữ được ghế hay không lại được quyết dịnh phần lớn bởi các lực lượng chính trị và quân đội.
Theo CAND