Vì sao nội các Sri Lanka từ chức?

Cập nhật: 08-04-2022 | 06:18:14

Một loạt bộ trưởng nội các và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã từ chức, khi những người biểu tình ở thủ đô bất chấp lệnh giới nghiêm tiếp tục xuống đường phố. Trong khi đó, đảng đối lập lớn nhất United Peoples Force (SJB) đã từ chối lời mời từ tổng thống để thành lập một chính phủ đoàn kết.

26 Bộ trưởng từ chức

Đêm 3-4, tất cả 26 bộ trưởng trong nội các đã đệ đơn từ chức sau khi hàng nghìn người bất chấp tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc tham gia các cuộc biểu tình đường phố chống lại chính phủ. Ông Basil - anh trai của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao, đồng thời là cháu trai của tổng thống cũng nằm trong số những bộ trưởng tuyên bố ra đi.

Hôm 4-4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Ajith Nivard Cabraal trở thành thành viên mới nhất trong nội các đệ đơn từ chức. Trước đó, vào tối 3-4, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Namal Rajapaksa thông báo trên Twitter rằng việc ông từ chức "có hiệu lực ngay lập tức” đồng thời bày tỏ hy vọng điều này sẽ giúp chính quyền "thiết lập sự ổn định". Bộ trưởng Bộ Giáo dục Dinesh Gunawardena thì nói với truyền thông địa phương rằng ông và các bộ trưởng khác đã chuyển đơn từ chức cho thủ tướng...


Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề và bị kêu gọi từ chức.

Các động thái này diễn ra sau nhiều tuần hỗn loạn, trong đó khủng hoảng ngoại hối ở đảo quốc này đã khiến đồng tiền mất giá và chi phí hàng hóa cơ bản như thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu tăng vọt. Hàng dài người xếp hàng tại các siêu thị, trạm xăng, hiệu thuốc cũng như tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ đồng hồ đã thử thách sự kiên nhẫn của dân chúng. Và, sự tức giận bùng lên, biến thành các cuộc biểu tình bạo lực ở Colombo vào những ngày cuối tháng 3.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 4-4, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa không trực tiếp đề cập đến việc từ chức, chỉ kêu gọi tất cả các bên làm việc cùng nhau. Hãng CNN đưa tin, từ đêm 2-4, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã mời tất cả các đảng chính trị có đại diện trong nghị viện cùng nhau bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng quốc gia này. Tuy nhiên, đến ngày 4-4, đảng chính trị đối lập lớn nhất SJB vẫn có vẻ không hợp tác. Giới phân tích nhận định, việc SJB từ chối yêu cầu của tổng thống có thể dẫn đến sự không chắc chắn về một chính phủ đoàn kết ở Sri Lanka.

Hiện tổng thống và anh trai của ông, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa vẫn tiếp tục nắm giữ quyền lực, bất chấp gia đình quyền lực chính trị của họ đang là tâm điểm sự phẫn nộ của dư luận. Văn phòng Tổng thống cho biết Bộ trưởng Tư pháp Ali Sabry sẽ là Bộ trưởng Tài chính mới, thay thế anh trai của ông Gotabaya, Basil Rajapaksa, người sẽ đến thăm Mỹ trong tháng này để đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay. Các Bộ trưởng Ngoại giao, Giáo dục và Đường cao tốc trước đây sẽ giữ nguyên vị trí của mình.

Sự đối lập giữa chính phủ và người dân

Sri Lanka là một đảo quốc với đa số dân theo Phật giáo ở Nam Á, nằm ngoài khơi bờ biển bang Tamil Nadu phía Nam Ấn Độ. Quốc gia này thường được gọi là "Hòn ngọc Ấn Độ Dương". Dân số Sri Lanka vào khoảng 20 triệu người. Là một quốc gia nằm trên đường nối hàng hải chiến lược giữa Tây Á và Đông Nam Á. Vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng nhiệt đới Sri Lanka, các bãi biển và phong cảnh cũng như sự giàu có về các di sản văn hóa biến nước này thành điểm đến nổi tiếng với du khách thế giới.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, quốc đảo này đã phải chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Kể từ năm 2019, Sri Lanka phải chịu 2 cú sốc đối với du lịch - lĩnh vực mang đến nguồn ngoại tệ quan trọng. Vào lễ Phục sinh năm 2019, các tay súng Hồi giáo đã đánh bom một số nhà thờ và khách sạn, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Đại dịch xảy ra chưa đầy 1 năm sau đó cắt đứt các chuyến bay và dòng người nước ngoài.

Sau khi anh em nhà Tổng thống Rajapaksa giành chiến thắng vào năm 2019, họ đã cắt giảm thuế khiến ngân sách càng ngày càng gặp khó khăn. Năm ngoái, chính phủ đã ra lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học, theo lập luận rằng sẽ thúc đẩy canh tác hữu cơ. Động thái này được một số nhà kinh tế giải thích là một cách để giảm bớt dòng chảy ngoại tệ nhưng khiến việc sản xuất nông nghiệp nhanh chóng sụp đổ và nguồn cung lương thực thiếu hụt dẫn đến lạm phát cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Quyết định sau đó đã được đảo ngược tình thế nhưng không ngăn chặn được thiệt hại.

R. Ramakumar, một nhà kinh tế có trụ sở tại Mumbai, viết: “Một chính sách nhằm giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, ngược lại, làm tăng áp lực lên dự trữ ngoại hối. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka là kết quả của “các chính sách sai lầm và lời khuyên bên ngoài thiếu sót”. Ông Ramakumar cũng lưu ý rằng các điều kiện đặt ra trong gói vay 1,5 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đối với Sri Lanka đã dẫn đến tình trạng kinh tế nước này xấu đi. Còn Sanjana Hattotuwa, một nhà phân tích truyền thông xã hội và chính trị có trụ sở tại New Zealand cho biết, sự phẫn nộ và huy động các cuộc biểu tình hiện tại - trực tuyến và trên đường phố Sri Lanka - là chưa từng có.

Các nhà phân tích thì lập luận, mức độ của cuộc khủng hoảng trở nên rõ ràng khi Sri Lanka không thể trả tiền nhập khẩu các nguồn cung cấp cơ bản vì các khoản nợ khổng lồ và dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt. Theo các chuyên gia, dự trữ ngoại hối có thể sử dụng của quốc gia này là dưới 400 triệu USD và có gần 7 tỷ USD nợ nước ngoài cần trả trong năm nay. Những vụ từ chức mới nhất không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy Sri Lanka có thể còn tồi tệ hơn. Lạm phát giá tiêu dùng trên toàn quốc đã tăng gần gấp 3 lần, từ 6,2% trong tháng 9 lên 17,5% vào tháng 2, theo Ngân hàng Trung ương nước này.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên