Corsica - vấn đề của nước Pháp

Cập nhật: 22-03-2022 | 10:40:34

Còn không lâu nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Pháp (tháng 4-2022), tình hình an ninh tại đảo Corsica, miền Nam nước Pháp bỗng trở nên bất ổn khi những cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra liên tục 2 tuần qua khiến hàng trăm người bị thương. Nước Pháp sẵn sàng “trả giá” để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt trước khi cuộc bầu cử được tiến hành.

Các cuộc biểu tình bạo loạn trên đảo Corsica bắt đầu nổ ra từ ngày 2-3, sau khi tù nhân tên Yvan Colonna bị một bạn tù đánh đến chết. Colonna đang thụ án tù chung thân do đã giết một quan chức chính quyền địa phương vào năm 1998, bị truy lùng ráo riết và bị bắt vào năm 2003. Vấn đề rằng y là một thành viên nhóm dân tộc chủ nghĩa đấu tranh đòi độc lập cho đảo Corsica và được nhiều người dân trên đảo Corsica tôn vinh là người hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho hòn đảo này.

Ngay sau khi cái chết của Colonna được thông báo, hàng nghìn người đã tràn ra đường biểu tình phản đối nhà chức trách tại các thành phố lớn của đảo Corsica, như Ajaccio, Calvi và Bastia. Người biểu tình đã nhanh chóng đụng độ với lực lượng giữ gìn an ninh trật tự và bạo loạn bắt đầu bùng phát từ đó. Tại thành phố Ajaccio, người biểu tình tràn vào chiếm đóng các tòa nhà chính quyền và đụng độ với cảnh sát khiến hàng chục người bị thương. Sau 2 tuần, có hơn 100 người bị thương, nhiều tòa nhà chính quyền bị đốt phá gây hư hại.


Biểu tình bạo loạn trên đảo Corsica

Tình hình bất ổn trên đảo Corsica một lần nữa trở thành vấn đề khiến chính quyền trung ương ở Paris ăn không ngon, ngủ không yên, nhất là thời điểm hiện nay đang gần đến ngày bầu cử Tổng thống Pháp. Vì thế, người ta cho rằng Paris không ngần ngại từ bỏ quyền kiểm soát chặt hòn đảo này vốn đã tồn tại hàng trăm năm nay. Ngày 16-3, hai ngày trước khi thực hiện chuyến thăm đảo Corsica, dự kiến vào ngày 18-3, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cho báo chí biết Chính phủ Pháp sẵn sàng “đi xa” đến mức có thể trao cho đảo Corsica quyền tự trị để giải quyết vấn đề bạo loạn giữa Địa Trung Hải này. Tuy nhiên, ông Darmanin cũng đưa ra điều kiện Corsica phải trở lại yên tĩnh trước khi có bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Các lãnh đạo chính quyền đảo Corsica tỏ ra thận trọng trước đề nghị của ông Darmanin. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Các lãnh đạo đảo Corsica nói rằng đề xuất của chính quyền trung ương phải được bảo đảm chắc chắn. Lãnh đạo Nghị viện Corsica Marie - ông Antoinette Maupertuis nói: Hòn đảo cần nhìn thấy “dấu hiệu mạnh mẽ” trước khi tin rằng đang có sự thay đổi.

Corsica là quê hương, nơi sinh ra vị hoàng đế lừng danh của nước Pháp - Napoleon Bonaparte (ông sinh ra ở thành phố Ajaccio, thủ phủ đảo Corsica). Nằm ở vị trí khá xa nước Pháp, lại gần Italy hơn, Corsica được sáp nhập vào lãnh thổ Pháp từ thế kỷ thứ 18. Sang thế kỷ thứ 20, Corsica trở thành chiến địa của quân Đồng minh và phát xít Đức, Italy trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, người Pháp tiếp tục cai quản đảo Corsica. Xung đột bắt đầu nảy sinh và ngày càng leo thang giữa thành phần dân tộc chủ nghĩa ở đảo Corsica với Chính phủ Pháp từ tháng 5-1975, khi họ dự định thử bom hạt nhân trong các hầm mỏ ở đảo Corsica. Từ xung đột này đã biến thành cuộc chiến giành độc lập của những người theo chủ nghĩa dân tộc đảo Corsica, trở thành vấn đề nhức nhối của Chính phủ Pháp qua nhiều thời kỳ. Lực lượng quân sự có tên gọi là Mặt trận Giải phóng dân tộc Corsica (FLNC) được thành lập và trở thành nòng cốt trong cuộc đấu tranh bạo lực của người Corsica.

Hơn 40 năm qua, chiến dịch đấu tranh “giải phóng đảo Corsica” của nhóm dân tộc chủ nghĩa đã gây ra bao tổn thất với những vụ đánh bom và tấn công bạo lực nhắm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Pháp, người của chính quyền trung ương Pháp trên hòn đảo. Năm 2014, bạo lực được tạm đình chỉ khi thành phần ly khai dân tộc chủ nghĩa tuyên bố “chấm dứt chiến dịch quân sự” và chuyển sang đấu tranh bằng chính trị. Kể từ đó, cuộc đấu tranh của thành phần ly khai đảo Corsica ngày càng được đẩy mạnh với những thắng lợi trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương và khu vực. Tuy nhiên, từ khi ông Emmanuel Macron lên làm tổng thống, vấn đề “độc lập”, “tự trị” của người Corsica đã không được ông quan tâm nữa, khiến các thành phần ly khai, tự trị tức giận vì cảm thấy bị “bỏ lại phía sau”.

Cuộc biểu tình bạo lực sau cái chết của “người hùng” Yvan Colonna đã làm sống lại cuộc đấu tranh sôi động của những người dân tộc chủ nghĩa. FLNC một lần nữa lại lên tiếng và tuyên bố ủng hộ những người biểu tình càng khiến không khí bạo lực trở nên nóng hơn. FLNC tuyên bố, nếu cuộc biểu tình lần này không được Paris giải quyết ổn thỏa, rất có thể FLNC sẽ khôi phục lại chiến dịch quân sự đầy bạo lực như trước đây.

Bộ trưởng Nội vụ Darmanin đã bày tỏ quan điểm của Chính phủ Pháp đối với vụ sát hại Yvan Colonna do bạn tù là một thánh chiến quân gây ra, gọi đây là một hành động khủng bố. Tuy nhiên, phía những người ly khai dảo Corsica đòi hỏi nhiều hơn, yêu cầu ông Darmanin thay mặt Thủ tướng hay Tổng thống Pháp thể hiện rõ ràng rằng “nhà nước Pháp sẵn sàng bước vào đàm phán”. Có nghĩa là Chính phủ Pháp phải sẵn sàng cho việc trao cho đảo Corsica quyền tự trị, hoặc thậm chí là nền độc lập như mong muốn hàng chục năm nay của họ.

Các nội dung đàm phán chưa được công bố nhưng người ta dự đoán đó không gì khác hơn vấn đề quyền tự trị cho người Corsica - trong đó bao gồm quyền tự quyết trong các vấn đề về phát triển kinh tế, thu thuế, nhà ở,... Một cuộc thăm dò mới đây đã cho kết quả có đến 53% người dân đảo Corsica muốn chính phủ trao quyền tự trị cho hòn đảo, trong khi 35% người đòi phải “độc lập” gay lập tức.

Trong khi đó, tại Paris, cuộc đua vào Điện Élysée đang nóng càng được đốt nóng bởi vấn đề Corsica. Các ứng cử viên đối lập của Tổng thống Macron đang sử dụng vấn đề Corsica để công kích ông, cho rằng ông đã chấp nhận “đầu hàng” bạo lực và điều này là không thể chấp nhận.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1139
Quay lên trên