Bầu cử Pháp: Cuộc đua chùng chình

Cập nhật: 07-03-2022 | 14:31:42

Cuộc đua vào Điện Élysée vừa mới bắt đầu, các ứng cử viên từ tả đến hữu khuynh đều vào đường đua. Riêng Tổng thống Emmanuel Macron đang có kế hoạch sẽ tuyên bố tái ứng cử trong nay mai. Trong cuộc đua đó, bóng đen cuộc chiến ở Ukraine đang bao phủ, với hầu hết ứng cử viên đều ít nhiều có liên quan.

Đương kim Tổng thống Emmanuel Macron lẽ ra có thể tuyên bố tái tranh cử từ tuần trước, trong khoảng thời gian cho phép đối với các ứng cử viên đăng ký tham gia cuộc đua. Nhưng, ông đã chọn cách tạm thời không vội đăng ký mà đợi đến phút cuối, tức ngay trước khi hết hạn đăng ký vào ngày 4-3 tới. Người phát ngôn của ông cho biết, do Nga bất ngờ triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công Ukraine nên Tổng thống Pháp muốn quan sát tình hình để đưa ra quyết định tranh cử cho “an toàn”.


Hai ứng cử viên Marine Le Pen và Eric Zemmour

Tại sao ông Macron phải làm như thế? Câu trả lời là ông Macron không muốn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề Ukraine. Nói cách khác, tùy tình hình diễn biến ở Ukraine mà đưa ra sự lựa chọn cách thể hiện quan điểm thích hợp, đưa ra động thái phù hợp tình hình thực tế dư luận chung trên thế giới đang nghiêng hẳn về phía Ukraine, ủng hộ Ukraine chống Nga.

Còn nhớ rằng, trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraina nổ ra, chính Tổng thống Macron là người duy nhất từ phương Tây có thể nói chuyện được với Tổng thống Nga Putin và ông Macron hôm 20-2 đã nỗ lực tạo cầu nối đối thoại cấp cao Nga-Mỹ (nhưng sau đó cuộc gặp cấp cao này đã không diễn ra do Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine).

Ông Macron vốn được đánh giá là người có thiện cảm với nước Nga hơn bất kỳ lãnh đạo phương Tây nào hiện nay. Nước Pháp của ông cũng được xem là giữ lập trường tương đối “trung lập” so với nhiều quốc gia EU khác trong vấn đề Ukraine và Nga. Tuy nhiên, từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nước Pháp không thể tiếp tục giữ lập trường trung lập tương đối nữa và bản thân Tổng thống Macron cũng buộc phải có động thái tham gia cùng với các đồng minh trong EU và NATO chống lại chiến dịch quân sự của Nga.

Ngoài ông Macron, hầu như các ứng cử viên nặng ký khác trong cuộc đua vào Điện Élysée tháng 4-2022 đều ít nhiều có “dính líu” đến vấn đề Nga-Ukraine. Có điều, các ứng cử viên đều đã phát động chiến dịch tranh cử từ trước khi chiến sự diễn ra và những gì họ đã nói và làm đều không thể thay đổi được. 3 ứng cử viên đang có tỷ lệ ủng hộ cao của cử tri là bà Marine Le Pen của đảng cực hữu National Front (FN), nhà sản xuất chương trình truyền hình Éric Zemmour và Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng chính trị cực tả La France Insoumise.

Bà Marine Le Pen được biết là từng thể hiện quan điểm ủng hộ nước Nga, từng có chuyến thăm Điện Kremlin, hội kiến Tổng thống Putin và trong kỳ bầu cử trước bà từng vay tiền từ một ngân hàng Nga để phục vụ chiến dịch tranh cử. Tương tự, ông Éric Zemmour vào năm ngoái từng đứng ra bênh vực Tổng thống Putin, cho rằng thế giới phương Tây đã có hành động hung hăng quá trớn, đã dồn ép Tổng thống Putin đến bước đường cùng. Còn ông Jean-Luc Mélenchon thì từng cho rằng Pháp nên “trung lập” trong vấn đề giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là trong vấn đề Ukraine.

Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến cộng đồng thế giới, trong đó có nước Pháp lên án, cả 3 ứng cử viên này đều thay đổi quan điểm một cách chóng vánh, chuyển từ “thân Putin” sang chống chiến tranh, lên án chiến dịch quân sự và kêu gọi chấm dứt chiến sự. Tuy nhiên, việc 3 người quay ngoắt 180 độ cũng bị dư luận chỉ trích, bởi không giữ vững lập trường quan điểm và như thế là “không đáng tin cậy”.

Ứng cử viên Valérie Pécresse thuộc đảng Les Républicains của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, tuyên bố trong một cuộc vận động cử tri hồi cuối tuần trước rằng chiến sự Ukraine đã tạo ra “bước ngoặt” trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và chỉ trích 3 ứng cử viên Zemmour, Le Pen, Mélenchon vì quan điểm địa chính trị nửa vời, lập trường thiếu tin cậy. Tuy nhiên, chính bà Valérie Pécresse cũng đang phải chịu áp lực nặng nề do phát ngôn của cựu Thủ tướng Francois Fillon (cùng đảng Les Républicains) cho rằng Nga phát động tấn công Ukraine là do “phương Tây không chịu lắng nghe các yêu cầu của Nga” liên quan đến NATO.

Vấn đề Ukraine còn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp theo một khía cạnh khác. Theo giới quan sát, chiến dịch vận động của các ứng cử viên vốn đã diễn ra chậm chạp do ảnh hương của đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại, nay lại bị gián đoạn nghiêm trọng do ảnh hương từ Ukraine. Các chương trình quảng cáo chính trị, chương trình truyền hình tranh cử dành cho các ứng cử viên vào “giờ vàng” trên sóng phát thanh, truyền hình đã bị chiếm bởi các chương trình thời sự, phóng sự chiến trường từ Ukraine. Các ứng cử viên đã hủy nhiều chuyến thuyết trình vận động cử tri trên khắp nước Pháp để dành thời gian theo dõi chiến sự Ukraine.

Tổng thống Macron đã phải hủy chuyến tham quan Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Paris - vốn được xem là một trong những diễn đàn quan trọng để ông Macron thuyết trình tranh cử trước thành phần cử tri quan trọng tham gia hội chợ - để dành thời gian bay sang Brussels tham dự một hội nghị đột xuất của Nghị viện châu Âu (EP) liên quan đến vấn đề Ukraine.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây của chính trị châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống của một quốc gia Tây Âu đã bị “bắt cóc” bởi một sự kiện đối ngoại. Chưa biết ai sẽ được lợi từ ảnh hưởng của chiến sự Ukraine nhưng chắc chắn một điều nó đã làm thay đổi diễn biến cuộc bầu cử và làm cho bầu không khí tranh cử cũng như suy nghĩ của những người tham gia cuộc bầu cử bị chi phối một cách mạnh mẽ.

Ông Macron từng đánh bại ứng cử viên sáng giá của cánh hữu Marine Le Pen với tỉ lệ 66% phiếu trong vòng 2 cuộc bầu cử năm 2017 nhưng năm nay người ta đang đặt câu hỏi liệu ông có lặp lại được thành tích đó hay không để làm Tổng thống Pháp thêm nhiệm kỳ thứ hai? Vấn đề Ukraine có thể tác động ở một vài khía cạnh, khiến cho cử tri nhất thời bày tỏ quan điểm bất bình với các ứng cử viên nhưng cũng không hẳn là cử tri sẽ hoàn toàn tẩy chay ứng cử viên đó. Như vậy, kết quả sau cùng của cuộc bầu cử vẫn phải do người dân Pháp quyết định vào phút cuối khi họ cầm lá phiếu trên tay với sự lựa chọn của mình.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1086
Quay lên trên