Ngoại giao ráo riết tháo ngòi nổ Ukraine

Cập nhật: 26-02-2022 | 10:51:45

Loạt hoạt động ngoại giao không ngừng nghỉ trong những ngày cuối tuần qua của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giúp hé mở cánh cửa hy vọng giảm căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Ukraine. Một cuộc gặp thượng đỉnh đã được lãnh đạo hai nước Nga-Mỹ đồng ý về nguyên tắc nhưng để cuộc gặp đó diễn ra thì các bên cần phải làm nhiều việc.

Ngày 20-2, Điện Élysée (Phủ Tổng thống Pháp) ra thông báo về vấn đề này sau loạt nỗ lực ngoại giao đến phút cuối của Tổng thống Macron nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý gặp Tổng thống Mỹ và không phát lệnh tấn công Ukraine.

Thông báo viết: “Hai vị tổng thống Biden và Putin đã chấp nhận trên nguyên tắc một cuộc gặp thượng đỉnh như thế”. Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lại chua thêm rằng, Tổng thống Biden đồng ý gặp trực tiếp Tổng thống Nga Putin nhưng với điều kiện Nga không phát động tấn công Ukraine.


Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo thông báo này, nội dung chi tiết của cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden sẽ được xác định sau khi hai ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ và Sergei Lavrov của Nga làm việc với nhau vào ngày 24-2 tới. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng sẽ có cuộc làm việc với Ngoại trưởng Lavrov để thảo luận kế hoạch cho một cuộc hội đàm thượng đỉnh có thể có giữa Nga, Ukraine và các đồng minh. Đồng thời, hai ông cũng đồng ý nối lại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ “Công thức Normandy”, bao gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp.

Điện Élysée cho biết, để có được lời hứa gặp thượng đỉnh của hai tổng thống Nga-Mỹ, Tổng thống Pháp Macron đã phải nỗ lực ngoại giao con thoi không ngừng nghỉ trong những ngày cuối tuần qua. Ông Macron đã điện đàm với Tổng thống Putin 2 lần xuyên đêm 19, đến 2 giờ sáng 20-2 cuộc điện đàm chấm dứt với sự đồng ý hội đàm thượng đỉnh của Tổng thống Putin. Trong thời gian nghỉ giữa hai lần điện đàm với Tổng thống Putin, ông Macron cũng đã hội ý qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Biden.

Hai tổng thống Putin và Macron cũng đồng ý cho phép Nhóm tiếp xúc 3 bên (Trilateral Contact Group - TCG) gồm các đại diện của Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) họp nhằm thảo luận một lệnh ngừng bắn tại vùng Đông Ukraine, nơi chiến sự giữa quân đội ly khai và Chính phủ Ukraine đang diễn biến phức tạp. Cũng vì tình hình căng thẳng trong vùng này mà Nga đưa quân đội đến gần biên giới Nga-Ukraine để sẵn sàng cho tình huống xấu xảy ra.

Phương Tây đang lao vào cuộc đối đầu căng thẳng với nước Nga trên quan điểm rằng “Moscow đang bên bờ vực tiến hành một cuộc tấn công xâm lược Ukraine”. Ngay trong lúc hội đàm với Tổng thống Pháp Macron về cuộc gặp thượng đỉnh, cũng như trong các tuyên bố trên truyền thông sau đó, Nhà Trắng đều lặp lại quan điểm này.

Cũng trong ngày 20-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson điện đàm với Tổng thống Pháp Macron cũng cho rằng “Nga đang sắp gây ra cuộc chiến lớn nhất châu Âu” và rằng “phương Tây sẽ làm mọi cách để Nga không thành công trong cuộc phiêu lưu đó”. Vẫn theo cách cũ trước đây, Tổng thống Mỹ Biden đưa ra cái gọi là “thông tin tình báo đáng tin cậy” để khẳng định những vấn đề mà người Mỹ “tin rằng” nước Nga “đang làm”. Mỹ và đồng minh cũng cho rằng Nga có ý đồ “tấn công Ukraine từ phía Bắc” khi đưa quân vào tập trận ở Belarus và “tấn công từ phía Nam” khi tiến hành tập trận trên Biển Đen.

Cuộc tập trận ở Belarus theo kế hoạch ban đầu đã chấm dứt vào ngày 20-2, tuy nhiên, vào ngày này Bộ Quốc phòng Belarus ra thông báo cuộc tập trận sẽ được tiếp tục kéo dài thêm một thời gian với lý do tình hình bất ổn ở Đông Ukraine đang leo thang phức tạp do Kyiv tăng cường nã pháo vào khu vực hai nước cộng hòa ly khai. Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết, cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường khả năng phản ứng nhanh trước tình huống xấu do các thế lực thù địch tạo ra.

Một tuyên bố của Điện Kremlin khẳng định rằng Tổng thống Putin không rút lại các yêu cầu của nước Nga đặt ra trong đàm phán với phương Tây, đó là NATO không được kết nạp thành viên đối với Ukraine, Mỹ và NATO rút hết quân đội và khí tài quân sự ra khỏi lãnh thổ của các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Rmania,... đồng thời chấm dứt các hoạt động mở rộng về phía Đông đe dọa an ninh quốc gia Nga. Ông Putin yêu cầu Mỹ và NATO xem xét các yêu cầu của Nga một cách nghiêm túc, có phản hồi cụ thể và trúng vấn đề.

Để chuẩn bị cho cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai tổng thống Nga và Mỹ, sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể vừa xoa dịu căng thẳng, vừa đạt được kết quả đố thoại khả quan nhất. Trong những ngày tiếp theo, Tổng thống Macron sẽ tiếp tục gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi để thông báo kết quả hoạt động ngoại giao đạt được, đồng thời tham vấn những vấn đề liên quan sắp tới.

Động thái triển khai quân gìn giữ hòa bình ở hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk của Nga đang đặt ra thử thách lớn đối với phương Tây - với quan điểm “Nga xâm lược”, đồng thời không công nhận độc lập của hai nước cộng hòa Luhansk và Donetsk, liệu có thể coi đây là động thái xâm phạm lãnh thổ Ukraine của Nga hay không? Nếu có thì EU sẽ triển khai biện pháp gì để “trừng phạt Nga” hay đối phó tình huống khó khăn mới? Liệu Nhà Trắng sẽ xử lý tình huống này như thế nào? Tổng thống Biden vẫn sẽ gặp Tổng thống Putin hay hủy cuộc gặp do điều kiện “Nga không tấn công xâm lược Ukraine”? Chúng ta hãy chờ xem phương Tây giải bài toán này.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên