Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư công (ĐTC). Để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch ĐTC năm 2017, UBND tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Dự án mở rộng vỉa hè đường Bạch Đằng hoàn thành đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị cho TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Tỷ lệ giải ngân còn thấp
Tính đến ngày 30-6-2017, tổng khối lượng thực hiện các công trình ĐTC của tỉnh là 1.996 tỷ 479 triệu đồng, đạt 27,9% kế hoạch. Trong khi đó, tổng các nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ và phân cấp cho cấp huyện là 2.606 tỷ 238 triệu đồng, chiếm 43,4% vốn ngân sách địa phương ĐTC năm 2017, bao gồm nguồn vốn xổ số kiến thiết cấp huyện làm chủ đầu tư là 836 tỷ 268 triệu đồng; vốn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cấp huyện là 570 tỷ đồng và vốn phân cấp theo tiêu chí cho cấp huyện là 1.200 tỷ đồng. Tổng khối lượng thực hiện đến ngày 30-6 là 652 tỷ 458 triệu đồng, đạt 25% kế hoạch; giá trị giải ngân là 631 tỷ 438 triệu đồng, đạt 24,2% kế hoạch.
Đối với các công trình trọng điểm theo Chương trình 23-CTr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 150/QĐ-UBND ngày 23-1-2017 của UBND, kế hoạch năm 2017 bố trí cho 47 dự án với tổng vốn 4.097 tỷ đồng; giá trị giải ngân đến 31-5 là 756 tỷ 417 triệu đồng, đạt 18,5% kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh đạt thấp (22,7%). Cụ thể, 13 dự án đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng vốn bố trí trong kế hoạch 2017 là 896,9 tỷ đồng, đến nay chỉ có 4 dự án đang giải ngân với tổng vốn giải ngân là 62 tỷ 991 triệu đồng, đạt 6,8% so với kế hoạch. Tổng vốn bố trí kế hoạch cho các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh quản lý có tổng vốn bố trí kế hoạch là 1.671,7 tỷ đồng, nhưng giải ngân mới được 437 tỷ 737 triệu đồng, đạt 15,6% kế hoạch.
Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, từ đầu năm đến nay tỉnh có 73 dự án đã được phê duyệt kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu với tổng số vốn đã bố trí kế hoạch là 2.534,8 tỷ đồng. Đây là những dự án chưa có khả năng giải ngân trong quý I và II-2017 và dự kiến trong quý III, sau khi tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ tiến hành tạm ứng hợp đồng từ 10 - 50% giá gói thầu theo quy định. Một số dự án tiến độ triển khai chậm do phải điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, cùng với đó phối hợp các khâu trong triển khai thi công chưa tốt, còn xảy ra khiếu kiện trong lựa chọn nhà thầu thi công...
Theo ông Minh, nguyên nhân tiến độ thực hiện kế hoạch ĐTC 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt thấp do một số địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư chưa chủ động, quyết liệt và khẩn trương trong việc triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng và giải ngân kế hoạch ĐTC được giao. Bên cạnh đó, các đơn vị chưa phối hợp tốt để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; các chủ đầu tư còn lúng túng, chưa chủ động báo cáo, phản ánh kịp thời việc xử lý những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án... làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp tình hình và tham mưu UBND tỉnh. Mặt khác, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mới được 315 tỷ 422 triệu đồng, đạt 27,3%, do chủ đầu tư chậm tổ chức nghiệm thu, thanh toán…
Thực hiện tốt các giải pháp
Tính đến ngày 13-8-2017, giá trị giải ngân các công trình ĐTC trên địa bàn tỉnh là 2.065 tỷ đồng, đạt 28,2% kế hoạch năm. Để thực hiện hoàn thành giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2017, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành phố tập trung thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3-8-2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 3-5-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2017 và triển khai một số nội dung trong công tác ĐTC. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện dự án, giải ngân sau khi nhận chỉ tiêu, kế hoạch điều chỉnh ĐTC năm 2017 theo Quyết định số 2080/QĐ-UBND ngày 3-8-2017 của UBND tỉnh.
Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà đầu tư theo nội dung hợp đồng; chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư để không bị động trong việc triển khai thực hiện dự án. Ngành chức năng cần lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ.
Được biết, tới đây UBND tỉnh sẽ rà soát tiến độ thực hiện, giải ngân dự án, đặc biệt là các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến hết tháng 8-2017 đã giải ngân được trên 80% kế hoạch vốn được giao, nếu có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn, ngành liên quan cần khẩn trương có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bổ sung vốn thực hiện... Ông Minh cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp những vướng mắc trong triển khai Luật ĐTC, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các nghị định. Đến cuối tháng 9-2017, sở sẽ có báo cáo đánh giá khả năng giải ngân các nguồn vốn ĐTC đến ngày 31-1-2018, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn các dự án, công tình chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân theo kế hoạch được giao. Trên cơ sở kết quả giải ngân những tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm, sở sẽ rà soát các dự án đến ngày 30-9-2017, nếu giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch vốn năm 2017 thì xem xét bố trí kế hoạch năm 2018 để tập trung thực hiện hết số vốn kế hoạch năm 2017 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2018.
PHƯƠNG LÊ