Phấn đấu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Cập nhật: 13-03-2012 | 00:00:00

Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%

Hơn một năm trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Vân, ấp Hàng Nù, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng là một trong số 87 hộ nghèo của xã. Để giúp gia đình chị Vân thoát nghèo, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã xem xét các điều kiện và giúp chị Vân vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh. Song song đó, Hội Nông dân xã và các tổ chức liên quan đã tích cực hướng dẫn việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay cũng như phổ biến các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi giúp gia đình chị Vân có hướng thoát nghèo vươn lên.   Cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư đồng bộ

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ xã và tinh thần chịu khó, cần cù cùng quyết tâm thoát nghèo, chỉ sau thời gian ngắn đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình chị Vân đã bắt đầu có thu nhập từ những lứa heo, đàn gà... Đến cuối năm 2011, gia đình chị Vân cùng với 30 hộ nghèo khác trong xã đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã An Lập. Niềm vui của những hộ thoát nghèo cũng là niềm phấn khởi của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã khi chứng kiến nhiều gia đình đã vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Bà Trương Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã An Lập cho biết, từ năm 2000 trở lại đây, đời sống người dân trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế... trên địa bàn xã đều có nhiều đổi thay. Đặc biệt, từ khi giá cao su ổn định ở mức cao đã giúp nhiều người dân tăng thêm thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Hiện toàn xã chỉ còn 56 hộ nghèo và phấn đấu đến cuối năm 2012 chỉ còn 2% hộ nghèo.

Xác định phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, sau ngày giải phóng và nhất là từ khi tái lập huyện đến nay, Dầu Tiếng đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Riêng trong năm 2011, bên cạnh việc vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vay vốn chuyển đổi phương tiện xe thô sơ... huyện đã mở 8 lớp đào tạo nghề cho 265 lao động nông thôn tham gia; đồng thời, giới thiệu và giải quyết việc làm cho 1.800 lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ. Kết quả điều tra hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2011-2015, toàn huyện hiện có 898 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,07%). Huyện Dầu Tiếng phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, xóa nghèo bền vững. Mặt khác sẽ quan tâm giúp đỡ các hộ cận nghèo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ tái nghèo. Cụ thể, huyện có kế hoạch hàng chục căn nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các đối tượng hộ nghèo khó khăn về nhà ở, đồng thời tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề; hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho 1.200 lao động; đẩy mạnh việc cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất - kinh doanh, thoát nghèo vươn lên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, hạ tầng giáo dục của huyện hiện có nhiều đổi thay và khang trang hơn trước đây rất nhiều. Hiện 30% các trường trên địa bàn huyện đã được lầu hóa và không còn tình trạng trường mượn, lớp tạm, từ đó bảo đảm yêu cầu dạy và học của ngành giáo dục. Nhiều trường học trên địa bàn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, mở rộng như: Trường Tiểu học Dầu Tiếng, tiểu học Thanh Tuyền, Bến Súc, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm... Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trường lớp, huyện Dầu Tiếng còn tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của huyện ngày càng được nâng cao. Năm học 2010-2011 tỷ lệ học sinh (HS) giỏi các cấp có chuyển biến tích cực; tỷ lệ HS hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 99,6%; tốt nghiệp THCS đạt 93,6%. Đến nay trên địa bàn huyện có 6 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2012 toàn huyện có trên 16.000 HS với 499 lớp học của các cấp (so với năm học trước tăng 11 lớp với 1.099 HS) Cũng trong năm học này huyện phấn đấu được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, nhìn chung cơ sở hạ tầng giáo dục cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên ở các cấp học đã được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới. Riêng đối với bậc học mầm non, huyện đang có kế hoạch mở rộng các trường mẫu giáo và tuyển giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học ngày càng nhiều của các cháu. Trong năm học này, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong toàn ngành. Phấn đấu tỷ lệ HS hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 99,5%, tốt nghiệp THCS đạt 95%, tốt nghiệp THPT đạt 90% trở lên. Phấn đấu đề nghị cấp trên công nhận 9 trường ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia.

TRÍ DŨNG - HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=213
Quay lên trên