Phát huy truyền thống khuyến học, khuyến tài

Cập nhật: 28-05-2013 | 00:00:00

   Đại diện Ngân hàng Techcombank trao học bổng “Khăn đỏ đến trường” cho học sinh nghèo hiếu học trong năm học 2012-2013

Nhân rộng phong trào

 Ngay sau đại hội lần I được tổ chức vào tháng 6-2003, Hội Khuyến học tỉnh đã phát động đăng ký gia đình hiếu học trên toàn tỉnh. Theo thời gian, cuộc vận động này được mở rộng và trở thành phong trào thi đua rộng khắp. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nói, với tư cách là một tổ chức chính trị xã hội, hội tuyên truyền cho nhân dân về sự cần thiết phải xây dựng xã hội học tập, hướng dẫn nhân dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu “gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học” (GĐHH, DHHH, CĐKH). Có thể nói, phong trào này còn nhận được sự hỗ trợ của toàn xã hội. Hàng năm, hội khuyến học các cấp tiếp nhận nhiều tấm lòng vàng ủng hộ cho quỹ khuyến học. Từ nguồn quỹ này đã trao tặng học bổng, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học. Hoạt động này thúc đẩy phong trào xây dựng GĐHH, DHHH, CĐKH phát triển. Đến nay toàn tỉnh có 45.195 hộ được công nhận, trong tổng số 54.402 hộ đăng ký. Qua đó cho thấy, gia đình hiếu học là hạt nhân của phong trào khuyến học ở địa phương.

Những tấm gương tiêu biểu

Trong số những GĐHH, DHHH được công nhận, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn nuôi dưỡng ý chí ham học cho các con, cháu. Gia đình ông Đặng Cường Sơn ở thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) được nhiều người biết đến vì đây là một trong những GĐHH tiêu biểu của tỉnh. Gia đình ông sống bằng nghề nông, thu nhập thấp nhưng ông vẫn lo cho các con ăn học thành tài. Chính sự vất vả của người cha, tảo tần của người mẹ là động lực để 5 người con vươn lên học giỏi. Hiện tại 3 người con đã tốt nghiệp đại học, trong đó có 1 người đang tu nghiệp tiến sĩ ở Hoa Kỳ, 2 người con còn lại đang học Đại học Ngoại thương và Y dược TP.HCM.

Bình Dương có 113 DHHH, một trong những dòng họ tiêu biểu là gia tộc họ Thái của bà Thái Thị Kim Xoan, ngụ thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo). Có giai đoạn các gia đình đối mặt với khó khăn, kinh tế chật vật nhưng đã vượt khó, nâng cao đời sống, động viên các con cố gắng học tập. Để truyền lửa đam mê học tập cho con em, ông bà cha mẹ của các gia đình cũng tích cực học tập, nâng cao kiến thức bằng nhiều hình thức. Điều đáng quý là các gia đình gắn bó, yêu thương nhau, khen thưởng kịp thời những học sinh chăm học làm rạng danh dòng họ.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh:

Phong trào thi đua xây dựng GĐHH,DHHH, CĐKH đã tạo nên nhân tố gắn kết giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội, là cơ sở quan trọng chấn hưng giáo dục, thực hiện các mục tiêu giáo dục như phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, THPT, chống lưu ban, bỏ học, chống ngồi nhầm lớp, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Phong trào này đang đồng hành cùng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa tại địa phương, trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Cơ sở bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Hướng Dương ở thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát) là nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Người sáng lập cơ sở là anh Nguyễn Thế Vinh, cũng là một người khuyết tật. Ban đầu anh dạy học miễn phí cho học sinh nghèo, học sinh mồ côi, khuyết tật ở Bến Cát. Từ sự tận tình của anh, nhiều học sinh đã thi đậu đại học. Với tâm nguyện giúp trẻ em nghèo thay đổi số phận, năm 2010, được sự cho phép của UBND tỉnh, cơ sở Hướng Dương đã được thành lập. Hiện nay mái ấm này đang cưu mang 71 học sinh, sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hướng Dương đang thực hiện một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc là giúp các em mồ côi, khuyết tật có tri thức, có kỹ năng sống để thay đổi hoàn cảnh của chính mình. Trong 2 năm qua, những em sau khi tốt nghiệp THPT đều vào đại học và cao đẳng. Nhờ vào mối quan hệ của anh Vinh, đã có 5 em sang Nhật học tập và làm việc.

Giáo xứ Kỉnh Nhượng (Phú Giáo) đạt danh hiệu CĐKH giai đoạn 2008-2012. Qua đánh giá, giáo xứ có 60% gia đình đạt danh hiệu GĐHH. Hàng năm giáo xứ vận động được quỹ xã hội hóa giáo dục xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, khen thưởng giáo viên, học sinh. Hàng tháng trích 1.000 USD hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo đi học tại các trường đại học ở địa phương và TP.HCM.

Trong thời gian tới, để phong trào GĐHH, DHHH, CĐKH tiếp tục phát triển, cần gắn kết phong trào thi đua cuộc vận động này với quá trình xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Hội khuyến học các cấp cần tích cực vận động gây quỹ khuyến học để hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, khen thưởng những em có thành tích học tập tốt.

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=247
Quay lên trên
X