Phát triển cao su ở Bình Dương: Hướng vào chiều sâu

Cập nhật: 25-08-2012 | 00:00:00

Hiện nay, Bình Dương không còn quỹ đất nông nghiệp nhiều như trước đây, do tốc độ phát triển công nghiệp cũng như định hướng chuyển dịch cơ cấu của tỉnh. Vì thế, đối với Bình Dương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã có một định hướng riêng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng này, đó là phát triển đi vào chiều sâu thay cho chiều rộng.  Thu hoạch mủ

Thế mạnh

Thời gian qua, lĩnh vực cao su (CS) của cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc nhờ vào việc mở rộng quy mô, diện tích trồng mới, giống mới và giá mủ CS tăng cao. Riêng ở Bình Dương, CS luôn đạt mức năng suất cao nhất trong toàn ngành do ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu và quy mô diện tích đã được mở rộng trong những năm trước. Điều này đã được ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc VRG xác nhận tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương mới đây.

Nổi trội trong các đơn vị thuộc VRG có 2 công ty ở Bình Dương là Công ty Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cao su Phước Hòa. Năm 2011, Phước Hòa là công ty có giá bán bình quân CS cao nhất nhờ cơ cấu sản phẩm, đạt 2.583 tỷ đồng doanh thu và 823 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 27% và 64% so với năm 2010. Năm 2011, sản lượng tiêu thụ của công ty này giảm 17% nhưng giá bán bình quân lại tăng 49% nên giúp doanh thu và lợi nhuận công ty đều tăng trưởng mạnh so với năm 2010. Trong quý 1-2012,  Công ty Cao su Phước Hòa cũng đạt 226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 44% kế hoạch. 6 tháng cuối năm là thời điểm vào mùa khai thác chiếm 60 - 70% sản lượng cả năm nên khả năng vượt kế hoạch trong năm 2012 của công ty này là có cơ sở.

Giai đoạn 5 năm 2011-2015, VRG đặt mục tiêu trồng mới khoảng 200.000 ha, trong đó ngoài nước 140.000 ha, trong nước 60.000 ha. Đến năm 2015, tổng diện tích đạt khoảng 500.000 ha, thu hoạch đạt khoảng 330.000 tấn. Đầu tư cải tạo, nâng cao năng suất chế biến gỗ, tăng gấp đôi công suất tinh chế, sản lượng quy đổi đạt khoảng 50.000m3. Phát triển mạnh các sản phẩm có nhu cầu sử dụng CS thiên nhiên, đến năm 2015 đạt khoảng 1 triệu bộ xăm lốp và các sản phẩm như chỉ thun, găng tay, nệm, công suất 10.000 - 15.000 tấn/năm.

Còn Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trong năm 2012 cũng đạt kế hoạch khai thác sản lượng 33.000 tấn, riêng trong tháng 6, công ty đã khai thác được 3.199,15 tấn, đạt 9,69% kế hoạch năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm toàn công ty đã khai thác được 9.619,42 tấn; đạt 29,15% kế hoạch năm. Ông Lê Minh Châu, Chủ tịch HĐTV của công ty này cũng cho biết, 7 tháng đầu năm đơn vị đạt hơn 40% kế hoạch, doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận 800 tỷ đồng, lương bình quân của công nhân đạt 5,5 triệu đồng/người. Trong tuần đầu tháng 8, công ty đã khai thác được 832 tấn mủ nguyên liệu, sản lượng khai thác tăng 6,2% so với tuần trước đó. Lũy kế đến nay đã khai thác được 14.093 tấn, đạt 42,7% kế hoạch năm, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đến hết tuần đầu tháng 8 đạt 1.484 tỷ đồng. Đến nay các hợp đồng đã ký được 18.715,85 tấn, đạt 60,57% kế hoạch. Kế hoạch khai hoang tái canh năm 2012 là 1.634,85 ha...

Tập trung phát triển chiều sâu

Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong 5 năm (2011-2015) của VRG thì, sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính như: trồng trọt, công nghiệp và các ngành dịch vụ khác. Trong đó, ở Bình Dương sẽ được chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp trong ngành CS như: chế biến mủ, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su (xăm lốp, chỉ thun, găng tay, nệm...).  Công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng đang cạo mủ

Việc VRG tập trung phát triển chiều sâu ở Bình Dương thể hiện một bước đi khôn ngoan khi vùng đất này không thể mở rộng thêm được diện tích trồng mới. Hơn nữa, Bình Dương lại là địa phương phát triển công nghiệp nổi bật, nằm lọt ngay giữa khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Trong thời gian gần đây, các động thái của VRG đã thể hiện điều đó, nổi bật nhất là việc đầu tư xây dựng Công ty Cổ phần VRG Khải Hoàn, khánh thành giai đoạn 1 (bốn dây chuyền) nhà máy sản xuất găng tay y tế thứ hai mới đây tại Lai Hưng, Bến Cát. Theo kế hoạch, cuối năm nay, toàn bộ 16 dây chuyền còn lại của nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động, đưa tổng công suất của hai nhà máy lên 3,2 tỷ sản phẩm găng tay các loại mỗi năm. Riêng năm 2012, Công ty VRG Khải Hoàn dự kiến sản xuất 1,4 tỷ sản phẩm, doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận 31,6 tỷ đồng; năm 2013 dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng với 3 tỷ sản phẩm găng tay, đến năm 2015 sẽ sản xuất 5 tỷ sản phẩm găng tay.

Như vậy, cùng với việc phát triển chiều rộng ở các địa phương khác và nước ngoài, VRG sẽ đi vào chiều sâu ở Bình Dương góp phần chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm CS, lấy tinh chế thay dần xuất thô, nâng dần tỷ trọng giá trị sản phẩm của mình trên thị trường. Với chiến lược như thế, CS tiểu điền của Bình Dương hy vọng cũng từng bước được hưởng lợi từ những bước đi đó, giảm bớt yếu tố bấp bênh về thị trường giá cả, tâm lý... Bên cạnh đó, việc chú trọng đầu tư công nghiệp chế biến gỗ cũng nhằm tận dụng khai thác gỗ CS sau khi công ty cải tạo vườn cây, kể cả CS tiểu điền.

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG: Bình Dương là địa bàn trọng tâm trong chiến lược phát triển

Trong những năm tới, tập đoàn sẽ tái cơ cấu lại và thoái vốn ở các lĩnh vực không chuyên sâu. Các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ được thực hiện ngay trong 2012 và 2013. VRG cũng bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp là ngành kinh doanh chính. Tính đến nay, VRG đã là chủ đầu tư 13 khu công nghiệp với tổng diện tích đất cho thuê 4.500 ha, phần lớn các khu công nghiệp tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM.

Đối với Bình Dương, VRG sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu, xem đây là địa bàn trọng tâm trong chiến lược phát triển. Địa bàn Bình Dương có 10 đơn vị đầu mối của VRG, trong đó có 2 công ty luôn nằm trong “top” đầu về năng suất là Công ty Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cao su Phước Hòa. Về hạ tầng, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên hiện nay được xem là kiểu mẫu của tập đoàn. Do đó, ngoài việc liên kết đầu tư phát triển sản phẩm tinh chế của CS, chúng tôi cũng muốn hợp tác với Bình Dương, đặc biệt là Becamex IDC để phát triển trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp. Để tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa tỉnh Bình Dương và VRG, chúng tôi kiến nghị hai bên cần tiến tới ký kết hợp tác phát triển toàn diện; ký kết về quy chế phối hợp trong công tác Đảng.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=502
Quay lên trên