Phát triển công nghiệp phụ trợ: Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với ngành chức năng

Cập nhật: 22-03-2018 | 08:16:15

 Để doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ (CNPT - gọi tắt là DN CNPT) trong nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng có thể cạnh tranh và phát triển trên thị trường, các chuyên gia cho rằng cần có những giải pháp hỗ trợ ngành CNPT hiệu quả, trong đó phải kể đến giải pháp tăng cường kết nối giữa DN CNPT với các đơn vị quản lý.

Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa ngày càng sâu rộng với thế giới, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang là một thách thức lớn cho các DN trong nước, nhất là đối với các DN hoạt động trên lĩnh vực CNPT. Tại Hội thảo chuyên đề diễn ra trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018” được tổ chức mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhiều DN cho rằng DN CNPT trong nước hiện đa phần là DN vừa và nhỏ, đang thiếu thông tin về thị trường, dẫn tới việc sản xuất ra không đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Máy móc thiết bị được DN giới thiệu tại Hội chợ ngành gỗ được tổ chức ở Bình Dương năm 2017. Ảnh: TIỂU MY

Theo các DN sản xuất sản phẩm CNPT, hiện nay, bước đầu họ đã tận dụng được nền tảng dữ liệu số (Big Data) để ứng dụng vào sản xuất, tìm kiếm khách hàng. Tuy vậy, lãnh đạo nhiều DN trong ngành thừa nhận, tỷ lệ DN Việt Nam tham gia vào lĩnh vực CNPT chưa cao, rào cản chính là năng lực của DN chưa đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực này, cụ thể là quản trị yếu, chiến lược chưa bài bản, chính sách chưa đáp ứng kịp thực tiễn.

Đơn cử, trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm CNPT cho ngành sản xuất ô tô, DN phải đạt chứng nhận ISO-TS 16949 thì mới đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, song hầu hết các DN trong nước đạt tiêu chuẩn này. Trong khi đó, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) lại chưa thực sự gắn kết với DN trong nước. Điều mà các DN CNPT trong nước mong muốn nhất là có hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ DN vay vốn đầu tư sản xuất, hỗ trợ DN kết nối với các DN FDI…

“Cái yếu nhất của các DN CNPT trong nước hiện nay là không xác định được mục tiêu của thị trường, không biết các DN FDI hay các nhà sản xuất đầu cuối muốn gì, cần gì ở các DN trong nước, cần những tiêu chuẩn như thế nào…”, đại diện một công ty sản xuất ốc vít cho ô tô tại Bình Dương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở đang nỗ lực để đồng hành, hỗ trợ các DN CNPT nhằm giúp DN tìm kiếm đối tác, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện sở đã thực hiện các đề án tìm hiểu thực trạng, các rào cản phát triển CNPT và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển ngành CNPT của tỉnh theo hướng bền vững như: Xây dựng khu CNPT tập trung gần các khu công nghiệp lớn; tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ CNPT, tăng cường kết nối với các DN sản xuất trong và ngoài nước… Sở Công thương hy vọng, các đề án, chương trình này sẽ giúp các DN CNPT của Bình Dương đến gần hơn mục tiêu thị trường của mình trong tương lai.

Bà Hà cũng mong muốn sự đồng hành, hợp tác từ phía DN nhiều hơn nữa. “Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến của DN về nhu cầu sản phẩm, nhất là DN FDI để các DN CNPT tại Bình Dương biết mình cần đẩy mạnh sản xuất mảng nào, cải thiện hiệu quả năng suất ra sao, đổi mới công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào. Với các DN CNPT trên địa bàn tỉnh, nên có sự kết nối chặt chẽ hơn với ngành công thương để chúng tôi nắm bắt thông tin cụ thể về năng lực sản xuất của từng DN, từ đó có giải pháp đồng hành, hỗ trợ cùng nhau phát triển”, bà Hà nói.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên