Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

Cập nhật: 09-10-2020 | 09:55:30

Với vị trí địa lý thuận lợi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, công nghiệp tỉnh Bình Dương liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Để tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) gắn với bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất.


Sản xuất tại Công ty DS Vina (KCN Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên)

Phát triển chiều sâu

Trong những năm qua, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút đầu tư công nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các KCN, CCN nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Đến nay, các KCN không ngừng hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng kết nối và gắn liền với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh có 29 KCN với tổng diện tích 12.721 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 84,4% và 12 CCN với tổng diện tích 789,91 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%.

Theo đánh giá của ngành công thương, 5 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ổn định qua từng năm. Công nghiệp phát triển theo chiều sâu gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần các ngành thâm dụng lao động, lắp ráp, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Công nghiệp chế tạo vẫn giữ vai trò chủ đạo của ngành, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) từng bước phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Hiện nay, tỉnh khuyến khích thu hút các DN đổi mới công nghệ, máy móc, ngành nghề sử dụng ít lao động và hạn chế ảnh hưởng môi trường. Đồng thời, tích cực chuyển đổi công năng các KCN, CCN phía nam của tỉnh theo định hướng đổi mới thu hút đầu tư.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhằm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong thời gian tới Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành CNHT, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, CCN theo quy hoạch; phát triển CCN hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư... Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN khoa học công nghệ, gắn sản xuất với nghiên cứu, hình thành các khu đô thị - dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp.

Cùng với công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành CNHT được tỉnh chú trọng phát triển nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu lớn về nguyên, phụ liệu cho các DN hoạt động trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đến nay sựphát triển của CNHT Bình Dương đãtừng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước vàcác DN đầu tư nước ngoài (FDI). Tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc phát triển các KCN, CCN để thu hút DN sản xuất sản phẩm CNHT được nhận định là phù hợp với đặc thù phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn DN sản xuất trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn có quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng đất thấp, trong khi các KCN cho thuê đất với diện tích lớn, vượt quá khả năng của các DN. Chính vì vậy, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN CNHT đầu tư vào các CNN trên địa bàn, bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp…

Sở Công thương hiện là đầu mối triển khai đề án “Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, năng lực công nghệ và hiệu quả quản lý tri thức trong một số ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý, chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các giải pháp trọng tâm xây dựng chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển CNHT; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho DN CNHT và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Thành lập mới, mở rộng KCN, CCN

Những năm gần đây, theo chủ trương của tỉnh, công nghiệp có sự dịch chuyển mạnh về phía bắc. Đơn cử, tại huyện Bắc Tân Uyên, 5 KCN và 1 CCN với tổng diện tích 1.073 ha cơ bản hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Hạ tầng các KCN đều bảo đảm đúng theo quy hoạch và thiết kế kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, KCN Đất Cuốc đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng 212,84 ha. KCN đô thị Tân Uyên đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút được 58 dự án đầu tư với tổng diện tích 174,9 ha, cơ bản lấp đầy diện tích đất công nghiệp. KCN Tân Bình hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng với diện tích 257,5 ha, đã thu hút được 51 dự án đầu tư với tổng diện tích 171,5 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 76,87%.

Với việc xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua huyện Phú Giáo đã tập trung các nguồn lực để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Để thu hút các nhà đầu tư, huyện thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đặt ra, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN theo quy hoạch được duyệt. Từ một huyện thuần nông, đến nay Phú Giáo đã quy hoạch 5 CCN với tổng diện tích gần 300 ha, đã thu hút lượng lớn nhà máy và người lao động đến sinh sống, làm việc. Hiện CCN Tam Lập 1 (giai đoạn 1) đang hoàn thiện hạ tầng và dự kiến đến quý I-2021 sẽ triển khai giai đoạn 2 để hoàn thiện các hạng mục công trình trong quy hoạch 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt. CCN Tam Lập 2 (trên 52 ha) và CCN Phước Hòa (60 ha) đã có chủ trương đầu tư. Các CCN còn lại là Tam Lập 3 (trên 70 ha) và Tam Lập 4 (gần 51 ha) đang được huyện hoàn tất thủ tục xin điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch để triển khai các bước thành lập.

Tại huyện Dầu Tiếng, ngoài CCN Thanh An chủ đầu tư đang triển khai đầu tư hoàn thiện phần diện tích còn lại, UBND huyện đã trình tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thêm 7 CCN tại các xã Thanh An, An Lập và Định Hiệp, với tổng diện tích 524,68 ha (đất thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) vào quy hoạch chung của tỉnh. Huyện cũng kêu gọi DN đầu tư vào dự án mở rộng KCN Bàu Bàng về phía xã Long Tân.

9 tháng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 1,25 tỷ đô la Mỹ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30-9-2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 1,25 tỷ đô la Mỹ, bằng 48% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 68% so với chỉ tiêu năm 2020. Có 103 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 483,8 triệu đô la Mỹ, bằng 60% về số dự án và bằng 40% về số vốn so với cùng kỳ; 76 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 274 triệu đô la Mỹ, bằng 62% về số dự án và bằng 35% về số vốn so với cùng kỳ; 359 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 478 triệu đô la Mỹ; bằng 95% về số dự án và bằng 86% về số vốn so với cùng kỳ.

NGỌC THANH

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=978
Quay lên trên