Xuất phát điểm của các đô thị Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội nên đã dẫn đến quá tải, “nghẽn mạch” trong quá trình vận hành. Vấn đề dễ nhận thấy và cũng là nỗi bức xúc của các đô thị hiện nay là tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông gia tăng. Thấy được điều này, tỉnh Bình Dương đã chọn con đường phát triển đô thị hiện đại lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) nhằm tiến tới đô thị loại I vào trước năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Giao thông làm nhiệm vụ mở đường trong phát triển công nghiệp, đô thị ở Bình Dương. Trong ảnh: Một đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn Ảnh: D.CHÍ
Nền tảng đô thị hiện đại
Kể từ ngày tái lập tỉnh (1-1-1997) đến nay, Bình Dương đã phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thành tựu to lớn trên lĩnh vực công nghiệp, giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật... cũng đạt những kết quả tốt đẹp, tạo nền tảng cho một đô thị hiện đại. Kết quả dễ thấy nhất là đến nay, Bình Dương đã phát triển và vận hành tốt hệ thống giáo dục - đào tạo từ bậc phổ thông đến dạy nghề, đại học đạt chuẩn quốc tế như các trường giáo dục phổ thông Việt Anh, Petrus Ký, Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm; trường dạy nghề Cao đẳng Việt Nam - Singapore, Việt - Hàn, Bách Khoa; Đại học Quốc tế Miền Đông, Việt Đức, Thủ Dầu Một, Bình Dương... Lĩnh vực y tếvới hệ thống khám chữa bệnh công lập từ tuyến xã, phường đến tuyến tỉnh được phát triển đồng bộ; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa như Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Quốc tế Miền Đông… đang được triển khai xây dựng, cùng các bệnh viện quốc tế như Bệnh viện Hạnh Phúc, Columbia Asia… đãvàđang hoạt động hiệu quả. Vềlĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn được đầu tư vàhoạt động hiệu quả như Siêu thị Co.opmart, Big C, Metro, Lotte Mart, Aeon Mall…
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện như mạng lưới cấp nước sạch đạt chuẩn gồm nhiều nhà máy lớn: Nhà máy cấp nước Dĩ An 1 và 2, Nhà máy cấp nước Khu liên hợp 1 và 2, Nhà máy nước Thủ Dầu Một… với tổng công suất đạt trên 300.000m3/ngày đêm, phục vụ trên 70% hộ dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh; hệ thống thu gom, xử lý nước thải Nam Thủ Dầu Một, giai đoạn I với nhà máy xử lý công suất 17.000m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động, đang triển khai giai đoạn II; cùng với việc quy hoạch phát triển thêm hệ thống thoát nước đô thị phùhợp với tiến trình đô thị hóa của tỉnh. Riêng Nhà máy xử lý rác thải và chất thải rắn Nam Bình Dương vừa bảo đảm thu gom rác, chất thải vừa chế biến thành phân Compose phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh: Tầm vóc của dự án có tác động đến cả vùng Đề án phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm có tầm vĩ mô, không chỉ liên quan giữa Bình Dương và TP.HCM mà còn có tác động cả vùng, trong đó có các công trình thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Hiệu quả của dự án mang lại sẽ giúp địa phương có điều kiện tiếp tục đầu tư, thu hút đầu tư và phát triển trên tầm cao mới. |
Về phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Dương đã có 11 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 20 xã đạt trên 85% về tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn theo hướng cứng hóa, nhựa hóa. Năm 2014, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông - vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng gắn kết mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục giữa hệ thống giao thông đối nội với hệ thống giao thông đối ngoại. Cụ thể là các công trình giao thông trọng điểm như đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối với quốc lộ 1, tăng cường thêm nhánh rẽ tại nút giao thông cầu vượt Sóng Thần; mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Hòa đến ngã tư Hòa Lân; mở rộng đường ĐT743A từ ngã sáu An Phú về đến Sóng Thần.
Đột phá vươn lên
Bình Dương không cứng nhắc, rập khuôn trong việc lựa chọn con đường phát triển đô thị như lý thuyết: “Phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm đòi hỏi sự đầu tư lớn bằng hệ thống đường giao thông chuyên dụng, kết hợp với việc đa dạng hóa các loại hình vận tải công cộng khác”, mà có sự vận dụng sáng tạo mang tính đột phá, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương cũng như tận dụng, phát huy các giá trị đầu tư từ hệ thống giao thông quốc gia, giao thông vùng…
Ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Tiếp tục nâng cấp các tuyến đường trọng điểm Bên cạnh những thành tựu mang lại góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, ngành giao thông - vận tải còn phải thực hiện, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng như: Tiếp tục đầu tư mở rộng quốc lộ 13, nối dài đường Mỹ Phước - Tân Vạn lên phía bắc; nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 để hàng hóa từ các khu công nghiệp thông thương thuận lợi đến các cảng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đón đầu cơ hội mới. Ông Nakata Yasuyuki, Tổng Giám đốc Becamex Tokyu: Mong tỉnh phát huy thành quả đạt được Bình Dương đã có nhiều thay đổi nhờ lợi thế gần TP.HCM; quan trọng hơn là nhờ môi trường đầu tư thuận lợi tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Điều mà doanh nghiệp quan tâm, mong muốn là lãnh đạo tỉnh tiếp tục phát huy thành quả có được, giữ vững ổn định môi trường đầu tư cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng và sự quản lý điều hành sáng suốt, năng động như thời gian qua. |
Đây chính là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm mà Braxin đã áp dụng thành công tại thành phố Curitiba từ năm 1972. Lúc đó, thành phố này chỉ là vùng đất không bằng phẳng, nhà cửa thưa thớt nhưng đến năm 2012, nơi đây là một đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án này được dự toán trên 3.500 tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn đối với ngân sách của địa phương. Thách thức này cũng được các nhà tư vấn “gợi ý” giải mã. Theo đó, bằng việc sắp xếp lại các chức năng đô thị một cách hợp lý, chỉ với khu vực Bến xe Miền Đông mới rộng 16ha được quy hoạch, phát triển đô thị theo hình thức những vòng tròn đồng tâm sẽ mở ra cơ hội lớn cho bất động sản phát triển. Điều này không chỉ giúp phát triển nhanh dân số dọc tuyến, tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn mang về cho tỉnh nguồn thu thuế lớn nhờ hiệu quả chuyển đổi từ công nghiệp - dịch vụ - đô thị sang đô thị - dịch vụ khu vực TX.Thuận An, TX.Dĩ An.
Với bước đi đột phá trong thiết kế giao thông và quy hoạch đô thị theo mô hình lấy giao thông công cộng làm trung tâm cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề bức thiết như vốn đầu tư; phương tiện cá nhân dần được thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng; giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên đường phố đô thị; tiến tới hình thành một đô thị văn minh, hiện đại.
DUY CHÍ