Phát triển du lịch gắn kết với bảo tồn 

Cập nhật: 22-10-2015 | 08:43:49

Bình Dương có nhiều thuận lợi để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới. Đó là hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tương đối phong phú, nhiều di tích được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia... Bên cạnh đó, Bình Dương còn có vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng, cùng hàng chục làng nghề truyền thống.

Ngành du lịch của Bình Dương đang phát triển đúng hướng. Trong ảnh: Khách vui chơi tại Khu du lịch xanh Dìn Ký Thuận An Ảnh: XUÂN THI

Tận dụng mọi nguồn lực địa phương

Theo Sở Công thương, hiện địa bàn tỉnh có các công ty lữ hành uy tín như Việt Travel, Sài Gòn Tourist… Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công lễ hội “Mùa trái chín năm 2013” ở Lái Thiêu, TX.Thuận An đã tạo tiền đề cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại Bình Dương nhiều hơn.

Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đang phát triển mạnh. Các khách sạn The Mira, Becamex có khả năng tổ chức những sự kiện, hội thảo lớn mang tầm quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có 21 khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao (riêng khách sạn The Mira đạt chuẩn 5 sao) và 3 sân golf đáp ứng được nhu cầu du lịch thể thao cao cấp của khách hàng trong và ngoài nước. Trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục khu du lịch sinh thái, danh thắng, di tích văn hóa - lịch sử… cùng nhiều làng nghề truyền thống sơn mài, làm gốm, guốc mộc... nằm ven các con sông lớn, đủ sức hấp dẫn du khách.

5 năm qua, ngành du lịch của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng ổn định, bình quân mỗi năm tăng 17% về doanh thu và 5% về lượng khách. Hiện UBND tỉnh đang tích cực triển khai Đề án Phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để phát huy và bảo tồn những nét văn hóa, di tích lịch sử hiện có của Bình Dương.

Theo dự thảo các văn kiện trình Đại hội X Đảng bộ tỉnh Bình Dương, trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 ngành dịch vụ phấn đấu chiếm tỷ trọng khoảng 27,2%. Đối với ngành du lịch, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển dựa trên việc đầu tư, xây dựng và khai thác có hiệu quả các lợi thế về địa lý, tiềm năng du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch và các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực…

Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào du lịch

Quyết định số 2303/QĐ- UBND của UBND tỉnh về việc Quy hoạch du lịch Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã tạo động lực cho ngành du lịch địa phương phát triển mạnh. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020 dự toán khoảng 11.700 tỷ đồng; tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 8.300 tỷ đồng; tổng nhu cầu quỹ đất cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 1.400 ha. Dự kiến, nguồn ngân sách Nhà nước sẽ chiếm khoảng 15 - 20%, phần còn lại sẽ đa dạng hóa và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo quyết định này, các khu vực ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm: Khu miệt vườn Lái Thiêu (TX. Thuận An), ven sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn TX.Bến Cát, cù lao Rùa, khu vực ven sông Đồng Nai, cù lao Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), lòng hồ Dầu Tiếng…

Trong chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn 2030 nhấn mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố Bình Dương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy các ngành liên quan khác phát triển. Thực hiện chiến lược này, Bình Dương sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và ngoài nước để phát triển du lịch; đồng thời phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm trọng điểm và phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế. Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch của địa phương được xếp vào nhóm phát triển trong cả nước và khu vực.

Quyết định số 2303/QĐ- UBND của UBND tỉnh cũng nêu rõ, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trong giai đoạn 2021-2030 là 6%; tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 10%/năm. Bình Dương sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch theo sự kết hợp 3 không gian gồm phía nam, phía tây bắc và phía đông nhằm khai thác thế mạnh của từng không gian. Trên cơ sở đó phát triển mạnh các sản phẩm đặc thù, tạo thương hiệu du lịch Bình Dương.

Những tín hiệu lạc quan về sự khởi sắc của ngành du lịch tỉnh nhà cho thấy, ngành này đang phát triển đúng định hướng của tỉnh. Tới đây, Bình Dương sẽ tiếp tục có nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng nhằm chào đón những nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng địa phương xây dựng thành công thương hiệu du lịch Bình Dương bền vững.

 

 PHÙNG HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên