Theo đánh giá, cù lao Bạch Đằng có nhiều thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch, gồm du lịch sinh thái, các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch xanh...
Trong quá trình hình thành và phát triển của TX.Tân Uyên, khu vực xã Bạch Đằng với lợi thế về đất đai, sông nước có tiếng trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, thị xã đã quan tâm phát triển du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai, giữ và phát triển vườn bưởi đặc sản xã Bạch Đằng.
Theo bà Bao Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xã luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của mình trong công tác phối hợp, khai thác tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn. Thời gian qua, UBND thị xã đã hỗ trợ xã khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch xanh, du lịch hộ gia đình; hỗ trợ các hộ nông dân quảng bá, giới thiệu nông sản trưng bày, tiếp cận thị trường phát triển du lịch; đồng thời mời gọi xã hội hóa đầu tư các dịch vụ du lịch. Cùng với đó, địa phương phối hợp với các trung tâm phát triển nông nghiệp cải tạo giống cây ăn trái, vệ sinh môi trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật ở các vườn cây ăn trái trên địa bàn xã…
Việc phát triển du lịch sinh thái được kỳ vọng sẽ giúp các vườn bưởi ở xã Bạch Đằng phát triển bền vững. Ảnh: MY PHAN
Được thiên nhiên ưu ái, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của người dân, xã Bạch Đằng đã lưu giữ, phát triển các loại cây có múi, điển hình là bưởi và phát triển các sản phẩm chế biến từ bưởi. Những sản phẩm này đã chinh phục du khách gần xa. Đặc biệt, việc thường xuyên tổ chức lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” đã tôn vinh những hộ trồng bưởi tiêu biểu của TX.Tân Uyên; để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về đất và người nơi đây...
Hiện nay, nhiều hộ trồng bưởi ở xã Bạch Đằng vẫn trồng các giống bưởi hiếm, xưa, như bưởi hồng, bưởi ổi, bưởi thanh trà, bưởi long, bưởi chua, bưởi đường da láng... Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng - người đã từng đưa bưởi Bạch Đằng tham gia các cuộc triển lãm tại nhiều nơi, cho biết hợp tác xã đã có giải pháp phát triển du lịch cộng đồng với sự tham gia của các thành viên hợp tác xã. Giải pháp này tập trung vào dịch vụ cung cấp bưởi, thực phẩm chế biến từ bưởi và vỏ bưởi…
Bà Trang cho biết, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển du lịch tại xã Bạch Đằng hiện vẫn còn những khó khăn cần sớm giải quyết. Khó khăn trước hết là công tác phối hợp, mời gọi công ty du lịch đến khảo sát, phát triển các dịch vụ vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, việc kinh doanh du lịch tại các hộ gia đình trong xã còn mới nên người dân chưa có kinh nghiệm, chưa mạnh dạn đầu tư... Để giải quyết những khó khăn này, trong thời gian tới địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của việc phát triển du lịch trên địa bàn đến người dân; tiếp tục giới thiệu quảng bá du lịch, phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp khảo sát, xây dựng các tour du lịch đến địa phương…
MY PHAN