Phát triển hợp tác xã phải tháo nút thắt về vốn

Cập nhật: 25-10-2012 | 00:00:00

  Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi).Chiều 25-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận Dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi).

Một trong những nội dung chính được các đại biểu nhấn mạnh là Hợp tác xã và Liên minh Hợp tác xã có ý nghĩa kinh tế và xã hội rất cao. Vì vậy, trong Dự thảo Luật cần quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ, nhất là trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Có 4 vấn đề xung quanh Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được các đại biểu cho nhiều ý kiến, đó là về bản chất của Hợp tác xã, liên minh Hợp tác xã; về chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước đối với Hợp tác xã; về phân phối thu nhập của Hợp tác xã và về tổ chức liên minh Hợp tác xã.

Các đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật đã thể hiện rõ bản chất của Hợp tác xã. Theo đó, Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên Hợp tác xã, nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển Hợp tác xã mang nhiều ý nghĩa cả về kinh tế lẫn xã hội, bởi đây chính là một tổ chức kinh tế, đồng thời cũng là tổ chức xã hội, tập trung phần lớn những người nông dân. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách sự hỗ trợ, ưu đãi đối với Hợp tác xã nhiều hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Theo các đại biểu, khó khăn nhất hiện nay trong hoạt động của Hợp tác xã vẫn là thiếu vốn, khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Việc huy động vốn từ thành viên cũng không đơn giản vì đây là đối tượng đặc thù gặp nhiều khó khăn, còn vay vốn ngân hàng thì không có tài sản thế chấp.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đoàn Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của Hợp tác xã vẫn là vấn đề tiếp cận nguồn vốn. Tại điểm Đ, Khoản 1 về chính sách hỗ trợ của Nhà nước có ghi: Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Nếu không có điều bổ sung hoặc Chính phủ không có quyết định cụ thể thì vấn đề vốn vẫn còn bế tắc. Với Hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cần một sự tiếp cận vốn ưu đãi giảm hoặc bù lãi suất của ngân hàng thương mại thì các Hợp tác xã này mới tiếp cận được”.

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang - đoàn TP HCM, ngoài quy định chính sách hỗ trợ chung về vốn, điều kiện thành lập trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cần quy định ưu tiên cụ thể hơn với ngư dân trong vay vốn và đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ về thị trường..

Đóng góp ý kiến về chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước được quy đinh ở điều 7, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định chính sách ưu đãi tín dụng về vốn, lãi suất, điều kiện vay vốn đối với các Hợp tác xã, liên minh Hợp tác xã trong các lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp.

Quy định này cũng phù hợp với Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.

Một số đại biểu đề nghị, không nên cho phép Hợp tác xã thành lập công ty vì công ty này có thể lợi dụng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước để hưởng lợi và hoạt động không phục vụ thành viên dẫn đến trái với bản chất hợp tác xã.

Tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế thì có quyền thành lập doanh nghiệp nhưng giao Chính phủ quy định rõ tiêu chí, điều kiện thành lập công ty đối với Hợp tác xã.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=244
Quay lên trên