Cùng với cả nước, 25 năm qua, kể từ Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) 22-12 được lấy làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD), Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nền QPTD vững mạnh, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH). Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 25 năm Ngày hội QPTD, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Võ Đức Thành (ảnh), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
- Xin đại tá cho biết những kết quả nổi bật của Bình Dương sau 25 năm thực hiện Ngày hội QPTD?
- Theo nguyện vọng của nhân dân, trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, năm 1989, Đảng, Nhà nước ta chọn ngày 22-12 hàng năm là Ngày hội QPTD. Với ý nghĩa đó, cùng với cả nước, trên địa bàn Bình Dương, chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới có nhiều bước đi sáng tạo. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy quân sự các cấp lúc bấy giờ đã tích cực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để ngày này không chỉ là ngày truyền thống của QĐNDVN mà đã trở thành ngày hội quốc phòng của toàn dân. Đặc biệt, Ngày hội QPTD còn nhằm xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất rộng lớn, trên tất cả các lĩnh vực mang tính toàn diện, tự chủ và tự lực, tự cường. Chúng ta bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Qua 25 năm phát động phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã duy trì ổn định tình hình ANCT, TTATXH, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Trên thực tế, chúng ta không chỉ thực hiện nhiệm vụ này trong 25 năm qua, mà việc xây dựng nền QPTD được thực hiện từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phống, thống nhất đất nước 30-4-1975. Tuy nhiên, sau năm 1989 khi có Ngày hội QPTD, Bình Dương đã tạo được một tiềm lực quốc phòng tương đối vững mạnh cả lực lượng, thế trận; đặc biệt là tiềm lực chính trị tinh thần; phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội, văn hóa, QP-AN, đối ngoại, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; bảo đảm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác giáo dục QPTD, xuất phát từ nền móng trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống hào hùng của quân đội, của địa phương, rõ nét là công tác giáo dục quốc phòng sâu rộng cho đối tượng cán bộ, công chức, cán bộ, chiến sĩ, học sinh - sinh viên, nhân dân địa phương và cả đối tượng lao động ngoại tỉnh đến làm ăn tạm trú.
Đối với công tác xây dựng thế trận quốc phòng, sự phát triển toàn diện, nhiều công trình kinh tế hình thành đã nâng cao tiềm lực cho quốc phòng. Đối với LLVT tỉnh, cùng với chăm lo xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên mang tính chiến lược, Bình Dương cũng tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “Vững mạnh - Rộng khắp”; trong đó nổi bật là xây dựng lực lượng dân quân thường trực tại các huyện, thị, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn. Đặc trưng của Bình Dương là tổ chức lực lượng dân quân thường trực tại một khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Đây là lực lượng tại chỗ, làm nòng cốt trong hoạt động giữ gìn ANCT, TTATXH, tham gia phòng chống thiên tai địch họa, bảo đảm sự bình yên cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp an tâm lao động, sản xuất, kinh doanh.
- Đại tá có thể cho biết những nhân tổ bảo đảm cho những kết quả đạt được trong việc xây dụng nền QPTD của địa phương thời gian qua?
- Trước hết là vai trò lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, sự quản lý nhà nước của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Trong những năm qua, đi đôi với việc củng cố hệ thống chính trị là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện nhiệm vụ QS-QP địa phương; đảm bảo xây dựng nền QPTD vững mạnh, hiện đại theo sự phát triển của tỉnh nhà. Thứ hai là được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân trên địa bàn. Nhìn lại những năm qua, có thể khẳng định nhân dân trong tỉnh luôn đồng thuận cao với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, của địa phương nói riêng. Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp đã vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp. Nhìn từ khía cạnh quốc phòng, sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân được thể hiện rõ qua ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thứ ba là sự phát triển kinh tế bảo đảm đúng hướng. Bình Dương có những đặc thù hết sức cơ bản trong thu hút đầu tư, thu hút các nguồn lực để tạo nên diện mạo mới của tỉnh nhà. Chính điều đó, đã củng cố thêm tiềm lực quốc phòng về chính trị, tinh thần, về kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp chặt chẽ với quốc phòng cũng như xây dựng thế trận QP-AN; tiếp thu ứng dụng nền khoa học công nghệ hiện đại trong xây dựng tiềm lực quốc phòng.
- Xin đại tá cho biết đâu là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nền QPTD trong thời gian tới?
- Trong thời gian tới, trước hết vẫn phải tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, giàu đẹp, là thành phố công nghiệp trước năm 2020. Theo đó, chúng ta phải tiếp tục củng cố, xây dựng nền QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân để bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu phát triển của địa phương. Trong lĩnh vực quốc phòng, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xây dựng tiềm lực tinh thần vững chắc hơn nữa, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp mới, sự đồng thuận cao, sự tham gia tích cực của nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong các công trình kinh tế của tỉnh luôn luôn hướng tới việc gắn với quốc phòng. Các công trình trọng điểm phải được kết hợp chặt chẽ để hình thành một thế trận vững chắc thời, bảo đảm xử lý kịp thời, chính xác mọi tình huống và giữ gìn ANCT, TTATXH trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chăm lo xây dựng LLVT trên địa bàn vững mạnh toàn diện. Hai lực lượng quân sự và công an phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ trong bảo đảm nhiệm vụ trước mắt; đồng thời xây dựng lực lượng chiến lược vững mạnh, cơ sở vật chất hiện đại. Riêng đối với LLVT tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, xây dựng nề nếp chính quy, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm đối phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra. LLVT tỉnh cũng phối hợp cùng các cấp, các ngành và các lực lượng đứng chân trên địa bàn xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng lực lượng, thế trận QPTD gắn với lực lượng thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác giáo dục QPTD; trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp; đồng thời chú ý giải quyết tốt các vấn đề chính sách cán bộ, chính sách hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ; động viên toàn dân tích cực tham gia xây dựng quân đội, củng cố nền QPTD vững chắc, sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra, giữ vững khu vực phòng thủ, giữ vững địa bàn, giữ vững chế độ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Xin cám ơn đại tá!
THANH LIÊM (thực hiện)