Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Theo đó, huyện chú trọng khai thác tiềm năng địa phương theo hướng tăng trưởng xanh, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị sản xuất và nhân dân về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện luôn gắn với công tác bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Khu công nghiệp KSB đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh
Xanh hóa vườn cây có múi
Với tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm đến 83,02% tổng diện tích đất tự nhiên, huyện Bắc Tân Uyên đã phát huy lợi thế hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái có múi lớn nhất của tỉnh. Diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh 3.800 ha, riêng huyện Bắc Tân Uyên có trên 2.300 ha.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường và xu thế của người tiêu dùng, người nông dân huyện Bắc Tân Uyên ngày càng nâng cao nhận thức, áp dụng quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm sạch, giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực về năng lượng, nước tưới... Bên cạnh đó, các nhà vườn sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát môi trường, giảm ô nhiễm tài nguyên đất, nước, hướng đến xây dựng cho thương hiệu an toàn vùng chuyên canh trái cây có múi. Ông Hồ Công Trường, chủ trang trại Đồi Xanh, xã Hiếu Liêm, cho biết hiện trang trại có diện tích gần 25 ha chuyên trồng cam, quýt, bưởi được sản xuất theo quy trình VietGAP có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm có logo, nhãn mác bảo đảm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo huyện, số cơ sở sản xuất cây có múi đạt chứng nhận VietGAP trên địa bàn khoảng 180 ha, riêng xã Hiếu Liêm chiếm diện tích lớn 1.357 ha. Hiện có khoảng 60 hộ trồng các loại cây có múi theo quy mô hàng hóa, chiếm hơn 90% tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn xã. Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết người dân đã và đang áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, theo hướng hữu cơ. 100% các hộ đã sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, trang bị thiết bị lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại vườn, sau đó được thu gom về bể chứa rác tập trung của xã và đem tiêu hủy theo quy định. Rác thải trong vườn canh tác chủ yếu cành cây và trái hư hỏng được người dân thu gom, chôn lấp lại trong vườn để tạo phân hữu cơ.
Ngoài ra, các hộ chủ yếu sử dụng nước trực tiếp từ sông Đồng Nai và sông Bé nên không đào ao dự trữ. Tất cả các hộ đã sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, nước được cung cấp chính xác, vừa đủ nhu cầu để cây sinh trưởng phát triển tốt nhất. Phương pháp này vừa tiết kiệm được nhiều chi phí, phù hợp với nhu cầu hiện tại và tương lai khi nguồn nước ngày càng khan hiếm, khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp.
Không tác động tiêu cực đến môi trường
Trên địa bàn huyện hiện có 5 khu, cụm công nghiệp thu hút được 144 dự án, trong đó Khu công nghiệp (KCN) VSIP III, KCN Tân Lập mới xây dựng, cùng với các KCN hiện hữu (Đất Cuốc, VSIP IIA, Tân Bình) đem lại quỹ đất phát triển công nghiệp nhiều tiềm năng cho huyện. Ngoài ra, huyện có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đang hoạt động ở ngoài khu cụm công nghiệp nhưng phần lớn được bố trí ở những khu vực phù hợp quy hoạch. Ngành nghề hoạt động của các DN công nghiệp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến gỗ, sản xuất gạch, đá xây dựng.
Công ty TNHH DS Vina đầu tư hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định
Thực tế cho thấy, các khu vực sản xuất công nghiệp là nguồn thải phát tán gây ô nhiễm môi trường, không chỉ diễn ra tại vị trí đặt cơ sở sản xuất mà còn lan rộng theo nguồn nước, chiều gió nếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải (nước thải, chất nguy hại) không được quan tâm đầu tư đúng mức và đồng bộ. Để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không tác động tiêu cực đến môi trường, các ngành chức năng huyện thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở sản xuất công nghiệp tùy theo quy mô lớn hay nhỏ phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động. Bảo đảm 100% nước thải sau xử lý của các KCN đạt quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường.
Ông Lê Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KSB, xã Đất Cuốc cho biết, KCN đầu tư hệ thống quan trắc tự động theo đúng quy định pháp luật. Các DN có hệ thống xử lý nước thải cục bộ đạt chuẩn loại B, đấu nối với hệ thống nước thải tập trung của KCN, sau đó sẽ tiếp tục xử lý để chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn loại A. Đối với rác thải sinh hoạt được chuyển giao cho đơn vị thu gom, rác thải nguy hại sẽ chuyển giao cho đơn vị chức năng có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, các DN trong KCN bảo đảm tỷ lệ 20% cây xanh trên diện tích đất sản xuất.
Công ty TNHH DS Vina chính thức đi vào hoạt động sản xuất tại KCN KSB từ năm 2017 về lĩnh vực dệt và nhuộm. Để bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ sức khỏe người lao động, công ty đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước thải, đo kiểm môi trường lao động... Ông Nguyễn Hữu Duy Sơn, cán bộ phụ trách an toàn sức khỏe môi trường công ty, cho biết đặc thù của công ty hoạt động về ngành dệt, nhuộm có sử dụng hóa chất nên công ty tham gia hệ thống Bluesign kiểm soát về hóa chất. Trước khi công ty sử dụng hóa chất nhuộm nào phải gửi mẫu sang hệ thống Bluesign, Thụy Sĩ để phân tích, đánh giá sau đó hệ thống sẽ trả về kết quả. Hiện công ty bảo đảm sử dụng 100% hóa chất xanh do Bluesign phê duyệt. Trong quá trình hoạt động có kiểm soát thông số của nước. Ngoài ra, khi đầu tư vào KCN KSB, công ty được ban quản lý KCN tư vấn xây dựng hồ sự cố lưu trữ nước nhằm bảo đảm xử lý nước khi có sự cố xảy ra.
TIẾN HẠNH - PHƯƠNG THANH