Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT), thời gian qua tỉnh Bình Dương đã quan tâm hỗ trợ, tạo đà để các hợp tác xã (HTX) phát triển; đồng thời tạo ra nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Thu hoạch rau tại THT sản xuất rau an toàn xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Chăm lo các thành viên tốt hơn
HTX là loại hình chủ chốt của KTTT. Đến nay toàn tỉnh có 118 HTX với 56.539 thành viên, vốn điều lệ 640 tỷ 746 triệu đồng. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại - dịch vụ, quỹ tín dụng nhân dân… Trên địa bàn tỉnh hiện còn có 344 tổ hợp tác (THT) với 5.744 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động 34 tỷ 240 triệu đồng. Các THT đã tích cực thực hiện tương trợ vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 thu hút 80% nông dân tham gia các hình thức KTTT hoặc sử dụng dịch vụ của các THT; thu nhập bình quân của xã viên HTX đạt trên 58 triệu đồng/người/năm. |
Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua KTTT đã góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Riêng các HTX hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động, thu nhập bình quân của xã viên đạt 42 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi năm, trên địa bàn tỉnh phát triển mới 10% số HTX.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Ông Trần Văn Thấy, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết thời gian qua, KTTT ở Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên vẫn còn một số HTX hoạt động mang tính hình thức, chưa đúng với bản chất, quy định của Luật HTX. Một số HTX hoạt động cầm chừng, chưa có những biện pháp linh hoạt để tháo gỡ khó khăn phát sinh. Bên cạnh đó, nội lực về vốn, cơ sở vật chất, trình độ quản lý của nhiều HTX còn hạn chế, thiếu định hướng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh, tới đây tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động KTTT; phát triển KTTT gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời mở rộng liên doanh, liên kết, phát triển mô hình HTX theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng chung của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ phát triển và nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực theo Luật HTX năm 2012, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực như: HTX quản lý kinh doanh chợ, HTX vệ sinh môi trường, HTX ngành nghề nông thôn, HTX chế biến tiêu thụ nông sản…; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cùng với đó là kiên quyết xử lý những HTX hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài...
Tại các buổi làm việc với Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển KTTT các huyện, thị, thành phố trong tỉnh vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh các địa phương cần xác định phát triển KTTT là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó các địa phương phải có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để đổi mới và phát triển KTTT. Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo cần thực hiện nhiều chuyến đi thực tế, học tập kinh nghiệm từ những địa phương có cách làm hay để áp dụng một cách hiệu quả tại địa phương mình...
QUỲNH NHIÊN