Phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn- Kỳ 1

Cập nhật: 02-07-2015 | 09:18:03

Kỳ 1: Đánh thức tiềm năng

Sông Sài Gòn đoạn từ Lái Thiêu (TX.Thuận An) lên Dầu Tiếng có độ dốc nhỏ nên rất thuận lợi cho giao thông đường thủy. Đặc biệt, dọc theo sông Sài Gòn có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh như Đền Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), Bến Súc (Dầu Tiếng), Đình thần Bà Lụa (TX.Thuận An), lòng hồ Dầu Tiếng; gần sông (qua địa bàn Bình Dương) còn có hàng chục làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc mộc, đan mây tre… cùng vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng rất thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Để khai thác tốt tiềm năng này, tỉnh đã có định hướng phát triển Bình Dương trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ ven sông Sài Gòn mang tầm khu vực.

 Cảng An Sơn hoàn thành năm 2014 tạo điều kiện quan trọng cho kinh tế ven sông Sài Gòn phát triển mạnh. Ảnh: P.HIẾU

Sông Sài Gòn đâu chỉ cho trái ngọt…

Hơn 40 năm gắn bó với mảnh đất Bình Dương, ông Quách Chính Duy, cán bộ hưu trí phường Lái Thiêu, TX.Thuận An đã được chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của một tỉnh thuần nông trước đây trở thành tỉnh công nghiệp và đang trên đường phát triển trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Ông Duy nói: “Sông Sài Gòn đã chứng kiến bao lịch sử thăng trầm của vùng đất màu mỡ này. Vùng cây ăn trái Lái Thiêu từng đứng trước thử thách kinh khủng của tốc độ công nghiệp hóa. May mắn, Bình Dương có những lãnh đạo tài giỏi, có tầm nhìn xa, quyết liệt bảo tồn và phát triển lại vườn cây ăn trái, mà trước đó trước sức ép của phát triển công nghiệp, của đô thị hóa tưởng chừng sẽ chìm vào quên lãng. Giờ đây, cây trái vào mùa quả ngọt xum xuê, các nhà vườn lại nô nức đón khách thập phương về vùng đất này tham gia trẩy hội mùa trái chín”.

Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết, từ năm 2008 huyện Thuận An (trước đây) đã xây dựng Dự án Hỗ trợ nâng cao năng suất vườn cây ăn trái tại một số xã, vì lãnh đạo thị xã đã nhìn ra những lợi ích to lớn từ vườn trái cây thương hiệu Lái Thiêu có thể mang lại. Lãnh đạo thị xã cho rằng tốc độ đô thị hóa tại Bình Dương nói chung và Thuận An nói riêng sẽ diễn ra nhanh chóng, vườn trái cây Lái Thiêu sẽ trở thành “lá phổi xanh”, không gian xanh mang đậm nét đặc trưng của đất và con người Bình Dương. Trên nền tảng của vườn trái cây, Thuận An sẽ tăng tốc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch như định hướng mà lãnh đạo tỉnh đã đề ra. Thực tế đang diễn ra cho thấy, những nhận định đó là đúng.

Từ thắng lợi của Dự án Hỗ trợ nâng cao năng suất vườn cây ăn trái của TX.Thuận An, lãnh đạo tỉnh đã nhìn ra nhiều tiềm năng to lớn hơn từ vườn trái cây đem lại. Vì thế, năm 2007 UBND tỉnh đã ra Quyết định 106/2007/ QĐ-UBND về việc hỗ trợ nhằm phục hồi vườn cây ăn trái đặc sản huyện Thuận An tại toàn bộ xã có diện tích trồng cây ăn trái (Quyết định 106). Đến năm 2012, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định số 45/ QĐ-UBND/2012 (Quyết định 45), theo đó tất cả hộ nông dân có diện tích trồng cây ăn quả trên 500m2 tại các huyện, thị trong tỉnh đều được thụ hưởng lợi ích từ quyết định này.

Theo Quyết định 45, mỗi hộ nông dân có diện tích trồng cây ăn trái từ 500m2 trở lên sẽ được hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp, 5 triệu đồng/ha cho kiến thiết cơ bản trồng mới, 4 triệu đồng/ha/năm công chăm sóc, hỗ trợ thất mùa (đạt dưới 60% năng suất). Nhờ đó đã đem lại nguồn sinh khí mới cho vùng cây ăn trái Lái Thiêu và các vùng chuyên canh cây ăn quả khác trên địa bàn tỉnh.

Nhờ Quyết định 45 mà hàng ngàn hộ nông dân được hỗ trợ vốn để mua thêm phân bón, giống cây trồng; hàng ngàn ha cây ăn quả có dịp hồi sinh, kéo theo sự thay đổi nhận thức của người dân: phát triển bền vững là con đường đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng từ vườn cây ăn trái đem lại là không thống kê được. Điều đáng mừng nhất là hàng trăm hộ nông dân đã quyết tâm gìn giữ vườn cây ăn trái, trước làn sóng “thu mua” vườn cây ăn quả, nhà vườn của các cá nhân, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nông dân kiên quyết nói không cho dù có vườn cây ăn quả có người trả giá lên đến 10 tỷ đồng.

Để thu hút doanh nghiệp và khách tham quan, tỉnh và TX.Thuận An đã tổ chức Lễ hội Mùa trái chín. Tuy thế, kích cầu du lịch đâu chỉ có vậy, khách đến Lái Thiêu, đến Bình Dương còn nhận ra rất nhiều cơ hội làm ăn từ các mảng thương mại - dịch vụ đa ngành nghề, mà nền tảng đến từ hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài đã có mặt tại Bình Dương.

Ông Đỗ Thanh Sử cho biết, hồi phục và phát triển vườn cây ăn trái Lái Thiêu là một chủ trương đúng đắn. Từ một dự án nhỏ ở TX.Thuận An, đến nay Dự án Hỗ trợ nâng cao năng suất vườn cây ăn trái đã trở thành một chương trình hành động lớn của tỉnh, mà việc ra đời Quyết định 106, Quyết định 45 của UBND tỉnh chính là minh chứng rõ ràng nhất. Rồi đây vườn cây ăn trái Lái Thiêu phục hồi, kéo theo các vùng chuyên canh cây ăn quả tại huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng phát triển tạo ra chuỗi vườn cây ăn trái đồng bộ, liên kết thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và mở ra hàng loạt cơ hội làm ăn khác cho người dân và cả những doanh nghiệp muốn đầu tư, phát triển tại Bình Dương.

Lợi thế lớn cho ngành thương mại - dịch vụ

Sông Sài Gòn chảy qua địa phận TX.Thuận An bờ sông mở rộng hơn 200m rất thích hợp để phát triển giao thông đường thủy, thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa.

Lâu nay, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Bình Dương thường qua quốc lộ 13, quốc lộ 14, đại lộ Bình Dương, các đường ĐT...; còn hàng hóa vận chuyển qua đường thủy chưa được tận dụng một cách hiệu quả nhất.

Ông Trương Công Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An cho biết, hiện thị xã có 21 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tất cả doanh nghiệp này mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2010. Doanh thu từ các công ty, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ kho bãi, cầu cảng (logistics)... rất khả quan, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 30%.

Ông Huỳnh Văn Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Bình Dương chia sẻ, tỉnh đã nhìn ra được những lợi ích kinh tế to lớn mà sông Sài Gòn đem lại, trong đó ngành dịch vụ logistics sẽ là một trong những nhân tố chủ đạo. Bình Dương đã định hướng, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn là yếu tố quyết định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng thương mại - dịch vụ. Một số doanh nghiệp tại Bình Dương đã tỏ ra nhanh nhạy, đón đầu xu thế có các bước đi đầu tiên để đón đầu những lợi ích mà logistics mang lại: Các cảng An Sơn, Bà Lụa, Rạch Bắp cùng hệ thống cảng nhỏ xung quanh kênh rạch nối sông Sài Gòn đã được đầu tư, chờ ngày sông Sài Gòn được “khai thông” dòng chảy.

 Kỳ 2: Khơi thông dòng chảy

Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế sẽ thay đổi lệch dần sang hướng thương mại - dịch vụ. Năm 2020, thương mại - dịch vụ sẽ chiếm 45% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và việc phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đã được lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ định hướng rõ ràng. Trong tương lai, ven sông Sài Gòn sẽ phát triển mạnh những trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch sinh thái, đô thị sinh thái... mang tầm vóc khu vực.


 K.VINH - P.HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1336
Quay lên trên