Kỳ cuối: Dòng sông xanh bên thành phố xanh
Ngành thương mại - dịch vụ của Bình Dương những năm qua luôn tăng trưởng 20 - 30% mỗi năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiềm năng ngành này của Bình Dương còn lớn. Trong đó, riêng những giá trị gia tăng mà ngành du lịch đem lại là rất lớn, không những mang lại nhiều nguồn thu mà còn tạo ra việc làm cho người dân sống ven sông Sài Gòn.
Khai thác tốt tiềm năng sông Sài Gòn để thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Ảnh: XUÂN THI
Bắt sông “đẻ” ra tiền
Ông Huỳnh Văn Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch tỉnh, cho biết hiện nay giao thông đường thủy tuyến sông Sài Gòn tại tỉnh Bình Dương chưa phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Tỷ lệ lưu thông hàng hóa đường sông mới chỉ đạt 2%. Nếu phát triển giao thông đường thủy đồng bộ với giao thông đường bộ không những đem lại nguồn kinh tế to lớn cho tỉnh mà còn giải quyết được vấn nạn kẹt xe - vấn đề các đô thị lớn rất quan tâm hiện nay. Sông Sài Gòn nếu được khai thông có thể chuyên chở hàng hóa đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mở ra cơ hội giao thương trên đường thủy mà trong tương lai, thành phố Bình Dương sẽ là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực phía Nam.
“Các đô thị lớn có sông chảy qua cần phát huy tối đa vai trò của giao thông thủy. Không những làm tốt giao thông thủy, Bình Dương cũng cần chú ý tôn tạo cảnh quan ven sông Sài Gòn, tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa bản địa; nhất là cần gắn kết triệt để với vườn cây ăn trái Lái Thiêu để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, “bắt” sông Sài Gòn phải “sinh sôi” ra nhiều cơ hội làm ăn hơn nữa, mà người thụ hưởng trước hết là người dân sống ven bờ sông Sài Gòn”. (Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển) |
Sông Sài Gòn, cùng với vườn cây ăn trái ở TX.Thuận An sẽ là điểm nhấn thu hút khách tham quan, mua sắm. Hiện nay, các tập đoàn, thương hiệu lớn như Lotte Mart, Aeon, Metro, thế giới di động, Nguyễn Kim… đều đã có mặt tại Bình Dương càng cho thấy tiềm năng to lớn cho ngành thương mại - dịch vụ của Bình Dương. Chỉ cần làm tốt giao thông đường thủy, Bình Dương sẽ mở toang cánh cửa, tạo ra cơ hội lớn cho kinh tế phát triển và thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng tích cực, bền vững, đề cao việc bảo vệ môi trường.
Hiện TP.Hồ Chí Minh đã mở tour du lịch thử nghiệm ven sông Sài Gòn tuyến Thanh Đa - Thủ Thiêm - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một - Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh). Đây là cơ lớn tạo đà cho du lịch Bình Dương phát triển. Nếu phối hợp tốt với TP.Hồ Chí Minh, du lịch sinh thái, du lịch vườn cây ăn trái cùng với hệ thống làng nghề truyền thống ven sông Sài Gòn như làng gốm Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng làm guốc mộc Thủ Dầu Một… sẽ trở thành sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Bình Dương.
Hướng đến một thành phố xanh
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết trong những năm qua lãnh đạo tỉnh đã rất quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường. Trong đó việc hạn chế tối đa mức ô nhiễm, nước thải bẩn ra sông Sài Gòn chính là những bước đi đầu tiên của lãnh đạo tỉnh trong định hướng phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn lấy TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một làm trung tâm cho sự phát triển. UBND tỉnh cũng đang giao cho Sở Khoa học - Công nghệ nghiên cứu chế tạo xà lan trục vớt lục bình để khai thông dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền đi lại, nhất là khi cảng An Sơn, cảng Bà Lụa đi vào hoạt động.
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, kiến nghị tỉnh cần tập trung nguồn lực để xây dựng một số công trình trọng điểm ven sông Sài Gòn như: Đê bao sông Sài Gòn, bờ kè đường Châu Văn Tiếp, xây dựng tuyến đường vành đai dọc đê bao sông Sài Gòn và hệ thống bờ kè bên bờ rạch Búng, rạch ĐT745; đẩy nhanh tiến độ công trình thủy lợi Bưng Biệp - Suối Cát; đồng thời quy hoạch, tạo cảnh quan hữu tình bên bờ sông Sài Gòn làm chủ thể cho du lịch đường sông phát triển.
Cảng An Sơn - một trong những công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn vừa hoàn thành cuối năm 2014. Ảnh: XUÂN THI
Quyết định số 45 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ nâng cao năng suất vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh kết thúc vào năm 2016. Theo tìm hiểu, tới đây tỉnh sẽ xây dựng chương trình hành động mới để tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao diện tích cây ăn quả, xây dựng thương hiệu nhà vườn, trái cây Lái Thiêu thành thương hiệu mạnh đủ sức thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Ông Sử cho biết thêm nhiều nước trên thế giới khi phát triển đô thị cũng rất chú ý đến việc phát triển rừng, tạo ra cảnh quan “rừng trong phố” giữ chức năng điều hòa nhiệt độ cho đô thị và cũng là nơi vui chơi giải trí cho người dân. Thuận lợi của Bình Dương là hệ thống vườn cây ăn trái có từ hàng trăm năm qua, việc bảo tồn và phát triển vườn cây ăn trái không những giúp ngành du lịch Bình Dương đột phá mà còn kéo theo nhiều cơ hội làm ăn lớn hơn cho ngành thương mại - dịch vụ.
Hình dung về một đô thị mới ven sông Sài Gòn, ông Huỳnh Văn Minh nói đó là hệ thống nhà vườn, biệt thự nằm ven sông, những vườn cây trái trĩu quả, những làng quê nông thôn nằm trong lòng đô thị. Ông Minh cũng cho rằng Bình Dương được định hướng phát triển thành thành phố xanh thì việc tôn tạo cảnh quan, xây dựng các công trình ven sông Sài Gòn cũng cần được chú ý, làm sao phải tăng nhanh diện tích cây ăn quả tại TX.Thuận An, hạn chế tối đa sự ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn cùng với hệ thống vườn cây ăn trái chính là “máy điều hòa”, là lá phổi xanh của thành phố Bình Dương trong tương lai.
P.HIẾU - K.VINH