Phát triển LNNT: Bảo tồn truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa

Cập nhật: 26-02-2011 | 00:00:00

Bình Dương có các làng nghề nông thôn (LNNT) truyền thống. Trong đó đặc trưng nhất là các nghề: sơn mài, gốm sứ, bánh tráng. Để có thể bảo tồn và phát triển, trong thời gian tới, các ngành nghề này cần có các chính sách ưu tiên để bảo tồn - phát triển hợp lý trong tình hình mới.

Nguy cơ mai một

Với bề dày truyền thống của mình, các LNNT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đóng góp rất nhiều cho quá trình phát triển cũng như giữ gìn các bản sắc của địa phương. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập cho người sản xuất, sản phẩm các làng nghề truyền thống (LNTT) còn góp phần mạnh mẽ quảng bá tinh hoa của vùng đất Thủ đến với mọi người. Các làng nghề như gốm sứ Thuận An, gốm sứ Tân Phước Khánh (Tân Uyên), sơn mài Tương Bình Hiệp (TX.TDM) là những LNNT truyền thống tiêu biểu của Bình Dương.

 

Cần có chính sách kịp thời để hỗ trợ các làng nghề phát triển

Tuy nhiên cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa một cách chóng mặt, các LNTT này cũng đã phải đối diện với những thử thách lớn dẫn đến nguy cơ bị mai một. Một phần các hộ gia đình tham gia trước đây chuyển đổi nghề do nghề truyền thống không đem lại thu nhập cao. Một phần vì hiện nay sự xuất hiện của các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất bằng quá trình công nghiệp đã tạo nên sự cạnh tranh không cân bằng giữa sản phẩm truyền thống và sản phẩm thương mại. Nguồn nguyên liệu sản xuất ngày càng khan hiếm dần cũng là một trong những yếu tố mạnh mẽ tác động đến sự tồn tại của các làng nghề này, đặc trưng là các nghề mây, tre đan; guốc gỗ, cối, chày, thớt. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất của các LNNT hiện nay tác động rất mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên và môi trường sống đã vô hình trung làm cho các làng nghề tự đào thải. Các yếu tố trên chính là rào cản quá lớn chặn bước phát triển của các LNNT. Song song đó, các yếu tố chủ quan như: nhận thức của mọi người về giá trị cũng như sự tồn tại của các LNNT chưa được nâng cao; các cá nhân tham gia sản xuất tại các LNTT cũng chưa nhạy bén trong việc thay đổi quy trình sản xuất cũng như chưa nắm bắt được các yêu cầu mới của thị trường như về mẫu mã; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát triển các LNNT truyền thống chưa kịp thời và chưa đủ. Tất cả đã làm cho các LNTT Bình Dương đứng trước nguy cơ bị mai một và thực tế cho thấy thời gian qua một số làng nghề đã biến mất.

Theo các số liệu thống kê, đến cuối năm 2010, Bình Dương có 32 LNNT với 46 nghề. Trong đó có 9 nghề truyền thống gồm: mộc gia dụng, sơn mài, điêu khắc, gốm sứ; mây, tre đan; guốc gỗ, cối, chày, thớt; heo đất; bánh tráng thủ công. Các làng nghề này có 45.755 cơ sở sản xuất với hơn 103.000 lao động tham gia sản xuất (mức lương trung bình từ 750.000 - 2.640.000 đồng/tháng). Doanh thu của các làng nghề là hơn 4.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 72 triệu USD. Các làng nghề tập trung chủ yếu tại các địa bàn phía Nam như: Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát. Các làng nghề có nguy cơ bị mai một trong thời gian tới bao gồm: bánh tráng thủ công; mây, tre đan; tăm nhang; heo đất; gốm sứ. Bên cạnh đó, một số ngành nghề cũng có cơ hội phát triển mạnh như: mộc gia dụng; guốc gỗ, cối, chày, thớt; chạm trổ, điêu khắc...

Cần có cơ chế phù hợp cho sự phát triển

Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển LNNT của cả nước nói chung. Riêng tại Bình Dương với những đặc thù riêng của mình, với những làng nghề có truyền thống lâu đời và với những tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, các chính sách bảo tồn và phát triển LNNT Bình Dương cũng cần phù hợp với những đặc thù này. Hiện nay, một số LNTT chỉ tồn tại với mục đích làm điểm tham quan du lịch cho các khách tham quan như sơn mài, gốm sứ. Có thể thấy đây là xu thế tất yếu và điều này được nhiều người chấp nhận vì đem lại thu nhập ổn định cho những người trong làng nghề. Nhưng có thể thấy với kiểu hoạt động như vậy chỉ có thể gọi là tồn tại chứ không thể gọi là phát triển...

Theo thẩm định của Phân viện Quy hoạch và Phát triển nông nghiệp miền Nam thì giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 sẽ tăng bình quân 5 - 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 5,02%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,19%/năm. Giá trị sản xuất LNNT đến năm 2015 dự kiến đạt hơn 6.224 tỷ đồng, năm 2020 đạt hơn 8.403 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 104.694 lao động năm 2015 và 108.049 lao động năm 2020. Các ngành nghề truyền thống của tỉnh sẽ được chia thành 3 nhóm để quy hoạch và phát triển theo đặc thù riêng: nhóm ngành ưu tiên phát triển (mộc gia dụng, chạm trổ điêu khắc, sơn mài, guốc, cối, chày và thớt), nhóm ngành theo nhu cầu thị trường (gốm sứ truyền thống), nhóm cần phải khôi phục (bánh tráng thủ công, heo đất, tăm nhang).

Để có thể thực hiện được một số chỉ tiêu cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, các LNTT cần nhận được một số chính sách hỗ trợ kịp thời như chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các cơ sở, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, hầu hết các ngành nghề đều gặp nhiều khó khăn về vốn sản xuất, vì vậy, các chính sách về tài chính, tín dụng cần được thực hiện tốt. Song song với đó là cần có các chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thuế... để tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống có thể tồn tại và phát triển trong tình hình mới.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=577
Quay lên trên