Kỳ cuối: Quy hoạch, xây dựng phải gắn với nhu cầu
> Kỳ 2: Phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020: Quy hoạch theo hướng nào?
> Kỳ 1: Chợ tự phát vẫn… phát!
Những chợ ở trung tâm các địa phương như chợ Thủ Dầu Một, chợ Búng, chợ Lái Thiêu… dù đã qua thời vàng son so với những năm trước đây nhưng hoạt động buôn bán vẫn diễn ra nhộn nhịp. Trong khi đó, các chợ xây dựng sau này chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động đã rơi vào ế ẩm.
Quy hoạch phù hợp
Nằm ở trung tâm TP.Thủ Dầu Một khoảng 2 thế kỷ qua, chợ Thủ Dầu Một hiện nay tuy bị cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm thương mại, siêu thị, hàng quán sát bên nhưng ngôi chợ biểu tượng này vẫn thu hút đông khách đến mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Thúy Châu ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết gần nơi chị ở có khá nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hóa nhưng thói quen của chị vẫn là sáng sớm ghé chợ Thủ Dầu Một để mua thực phẩm trước khi đi làm. Hàng hóa ở chợ khá đa dạng, phong phú, quầy hàng tại chợ này được bố trí khá hợp lý. Muốn mua các mặt hàng như quần áo, vải sợi, giày dép khách có thể vào lồng chợ; còn mua lương thực, thực phẩm có thể mua xung quanh chợ rất tiện lợi vì lối đi khá rộng rãi, xe máy có thể di chuyển dễ dàng mà không cần phải gửi xe.
Nâng cấp, cải tạo, xây dựng chợ phù hợp đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt tiêu dùng của người dân là nhu cầu bức thiết không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa, xã hội. Trong ảnh: Tiểu thương mua bán tại chợ Long Nguyên (TX. Bến Cát). Ảnh: T.HUỲNH
Có thể thấy chợ Thủ Dầu Một hay chợ Búng, chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An)… đã được hình thành lâu đời, tọa lạc ngay vị trí trung tâm dân cư, lại thuận tiện giao thông đường thủy, đường bộ nên rất nhiều sạp kinh doanh ở chợ được truyền từ đời này sang đời khác và ngày càng thu hút nhiều tiểu thương từ các khu vực lân cận đến tham gia kinh doanh. Hiện nay, một số chợ mới xây sau này cũng đang phát triển theo xu hướng này. Cụ thể như chợ Long Nguyên (TX.Bến Cát) mới được xây dựng trong 2 năm gần đây.
Ông Lê Minh Tuấn, đại diện Ban quản lý chợ Long Nguyên, cho biết xây dựng chợ nông thôn là một quá trình song hành với phát triển thương mại của tỉnh, chủ đầu tư đã tiến hành công tác lựa chọn vị trí, địa điểm xây dựng phù hợp với địa hình tự nhiên, xác định nhu cầu thị trường khu vực dân cư. Theo đó, tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc được bố trí gồm chợ có thiết kế mở với mô hình chợ gồm 3 gian, 1 khu nhà lồng và 2 khu ki-ốt. Trong đó, khu vực nhà lồng chợ có 96 quầy hàng và 75 ki-ốt buôn bán các mặt hàng quần áo, thực phẩm tươi sống và rau củ quả. Trong chợ được thiết kế lối đi giữa các quầy hàng rộng 6m2; ngoài bãi đỗ xe trước chợ còn có bãi đỗ xe chung xung quanh chợ nên rất thông thoáng, thuận lợi, người tiêu dùng có thể dừng xe tại bất cứ gian hàng nào để chọn mua hàng hóa mà không gây trở ngại cho hoạt động của chợ. Vì vậy đến nay chợ đã khẳng định tính đúng đắn trong đầu tư, phù hợp xu thế cuộc sống và hoạt động hiệu quả. Tiểu thương và khách hàng đến chợ đều hài lòng.
Để chợ phát huy hiệu quả
Bà Phan Thị Đăng Đoan, tiểu thương quầy rau tại chợ Long Nguyên, cho biết trước đây Ban quản lý chợ có quy định không cho người mua hàng chạy xe vào chợ nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong chợ. Điều này dẫn tới việc buôn bán rất khó khăn vì ít người gửi xe để đi bộ vào chợ. Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của tiểu thương, Ban quản lý chợ đã tạo điều kiện cho xe vào chợ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người vào chợ để xe trật tự, ngay ngắn để tiểu thương có cơ hội buôn bán như nhau. Nhờ vậy tình hình kinh doanh tại chợ càng khởi sắc hơn.
Khảo sát của chúng tôi với các tiểu thương, người tiêu dùng về việc nếu chợ được xây dựng hiện đại, kiên cố, chi phí kinh doanh thấp… liệu hiệu quả kinh doanh có tốt hơn, hầu hết tiểu thương cho rằng đây là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, nếu người tiêu dùng đến chợ chỉ có nhu cầu mua một mớ rau, mớ hành, hoặc người không có nhiều thời gian nhưng vẫn phải gửi xe vào chợ thì không phải là lựa chọn khả thi.
Thực tế cho thấy không gian kiến trúc trong nhiều chợ hiện hữu trên địa bàn tỉnh còn hạn hẹp, quầy hàng sắp xếp chưa khoa học, không khí ngột ngạt và thiếu ánh sáng… khiến người dân bất tiện khi mua sắm trong chợ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư bỏ vốn lớn xây dựng công trình, thu hồi nhanh vốn là đương nhiên, nhưng giá thuê mặt bằng cao so với thu nhập của các hộ kinh doanh nên đã không thu hút được tiểu thương tập trung vào chợ. Trong khi đó, chợ chính và chợ tự phát có những sản phẩm giống nhau nhưng giá lại chênh lệch, tạo nên sự cạnh tranh về giá trong cùng một mặt hàng. Đây chính là lý do khiến các tiểu thương chưa mặn mà vào chợ và đối tượng khách hàng của họ cũng không muốn vào chợ. Cuối cùng là địa điểm xây dựng chợ rất quan trọng vì không thể theo ý chí chủ quan của một người hay một số người; bởi chợ có đặc thù riêng, nếu không phù hợp với tập quán tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, không thuận tiện cho người mua, người bán, dung lượng thị trường, số dân, số lượng hàng hóa… thì hiệu quả mang lại rất thấp.
Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thiết kế chợ cần phù hợp để người dân tiện mua sắm
Các địa phương cần xác định tính chất hoạt động của từng điểm mua bán tự phát để có kế hoạch giải tỏa hiệu quả, dứt điểm các điểm chợ này để chợ chính hoạt động thuận lợi. Đồng thời, cần vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quy hoạch xây dựng chợ theo mô hình xã hội hóa gắn với khu dân cư, hạ tầng giao thông thông thoáng; thiết kế xây dựng chợ phải phù hợp tập quán tiêu dùng, cách thức mua sắm của người dân và điều kiện phát triển văn minh thương mại của tỉnh.
Ông NGUYỄN TẦM DƯƠNG, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Khu phố chợ là xu hướng phát triển khách quan
Xã hội công nghiệp rất cần mô hình tổ chức chợ phù hợp xu hướng thời đại: nhanh, gọn, tiện lợi… Điều này lý giải vì sao những khu chợ có 2 dãy phố dạng ki-ốt, khu chợ nhà lồng, kết nối đường sá rộng rãi, phạm vi chợ rộng, thuận tiện xe ra vào mua bán lại đáp ứng hiệu quả nhu cầu người mua kẻ bán... Đây là một xu hướng phát triển khách quan và là xu hướng tích cực trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội chung của nước ta.
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC LINH, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vị Hảo (khu phố Phước Hải, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên): Tạo thói quen mua sắm đúng vị trí
Để thu hút tiểu thương mua bán tự phát vào chợ Vị Hảo, công ty có chính sách miễn giảm các loại phí trong 3 tháng đầu, đồng thời áp dụng phí thuê quầy hàng hợp lý. Hiện số lượng quầy sạp đăng ký vào chợ gần lấp đầy so với yêu cầu, trong đó có rất nhiều tiểu thương bán hàng xe đẩy trước đây đến đăng ký kinh doanh. Dự kiến, công ty sẽ không thu phí giữ xe để tạo điều kiện tối đa cho người dân đến chợ…
Chị ĐỖ THỊ THẢO ở ấp Long Bình, xã Long Nguyên, TX.Bến Cát: Nghiên cứu tập quán, thói quen mua bán để xây chợ
Người tiêu dùng nông thôn chưa có thói quen gửi xe để vào chợ mua thức ăn, gạo, mắm, muối. Mặt khác, giờ làm việc ở công ty đã chiếm gần hết quỹ thời gian nên nhiều công nhân ngại gửi xe để vào chợ. Theo tôi, nếu xây dựng chợ thì không nên xây chợ nhỏ, lối đi hẹp.
TRÚC HUỲNH