Đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập với thế giới. Khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về kinh tế - xã hội. Thời cơ và vận hội đang đến, một tương lai tươi sáng đang rộng mở ở phía trước. Cơ hội mở ra, nước ta rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.
Trường ĐH Việt Đức, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân (giữa), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao đổi với sinh viên trường ĐH Việt Đức
Từ khi đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả nước gần như chuyển mình. Thấy rõ vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nói chung, trong đó có các trường đại học (ĐH) đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian không xa, khi TPP có hiệu lực thì nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng sẽ còn cao hơn nữa.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vai trò của GD-ĐT là vô cùng quan trọng. Và không phải đợi đến khi gia nhập TPP, mà từ lâu ngành GD-ĐT, các trường ĐH đã định hình được sự phát triển của đất nước mà có chiến lược phát triển lâu dài. Để có nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai, các em cần được quan tâm đầu tư từ khi còn học phổ thông. Thấy rõ tầm quan trọng ấy, ngành GD-ĐT thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, từ năm 2012, ngành đã có nhiều bước đi mới theo hướng nâng cao về chất. Đó là, triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông” giai đoạn 2012-2017; triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng trường THPT chuyên Hùng Vương giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 có chất lượng bền vững; đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện các trường tạo nguồn, trường chất lượng cao đạt hiệu quả cao. Phải nhìn nhận rằng, theo thời gian chất lượng giáo dục của tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng lên và phản ánh đúng thực chất.
Hội nhập vào sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, các trường ĐH đã có những động thái tích cực, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Với trường ĐH Thủ Dầu Một, nhà trường đề ra sứ mạng là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh, miền Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhà trường phát triển theo định hướng ĐH nghiên cứu và trở thành trung tâm nghiên cứu tư vấn có uy tín. Đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo sáng kiến CIDIO, chọn tiêu chí phù hợp trong 12 tiêu chí của CIDIO để áp dụng sáng tạo, linh hoạt tùy theo tính chất của từng ngành đào tạo; cập nhật đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ĐH tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương có tốc độ phát triển kinh tế cao, từ đó đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế. Với trường ĐH Việt Đức, để đạt mục tiêu trở thành trường ĐH nghiên cứu xuất sắc, trường triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các trường ĐH đối tác Đức. Hiện tại trường đang đào tạo 11 chương trình, trong đó có 7 chương trình trình độ thạc sĩ và 4 chương trình đào tạo cử nhân thuộc 5 khối ngành, trong đó có những ngành chuyên sâu về kỹ thuật - công nghệ và các ngành kinh tế và quản trị mũi nhọn của Đ ức.
Các trường ĐH khác như: Quốc tế Miền Đông, Bình Dương, Kinh tế - Kỹ thuật… cũng có những bước chuyển đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội đang đổi thay từng ngày.
Mới đây, đề cập đến thách thức lớn nhất của TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: “Cơ hội mở ra mà không nắm bắt được thì chỉ còn thách thức, mà muốn nắm bắt được cơ hội thì yếu tố con người, nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng. Có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có tất cả”.
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT:
Đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, giai đoạn 2016-2020, ngành GD-ĐT sẽ tăng quy mô, chất lượng đào tạo ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và ĐH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển các trường ĐH có chất lượng cao; hình thành và phát triển các cơ sở đào tạo nghề có quy mô lớn, chất lượng đạt chuẩn.
Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu, chú trọng tạo đột phá, góp phần sớm đạt mục tiêu Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
A.SÁNG