Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 26-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. Với 440 đại biểu (chiếm tỷ lệ 89,07% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với 15 người gồm: Nguyễn Thị Hoàng Anh, Trần Văn Cò, Nguyễn Văn Du, Đặng Xuân Đào, Nguyễn Văn Hạnh, Tống Anh Hào, Nguyễn Thúy Hiền, Bùi Ngọc Hòa, Đào Thị Xuân Lan, Chu Xuân Minh, Lê Văn Minh, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Thuân, Lương Ngọc Trâm và Nguyễn Trí Tuệ. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm các ông, bà này làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: "Như vậy, căn cứ vào kết quả phê chuẩn của Quốc hội và kể cả Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì có tất cả 16 thành viên Hội đồng Thẩm phán. Theo quy định của pháp luật, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cần từ 13 đến 17, như vậy, chúng ta đã có một lượng Thẩm phán vừa đủ, đảm bảo cho hoạt động ngành Tòa án."
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa được Quốc hội phê chuẩn, mong muốn những người vừa được bổ nhiệm tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả lấy phiếu, có Thẩm phán đạt trên 60%, 70%, 80%, có Thẩm phán đạt trên 90%. Số phiếu có khác nhau, thể hiện sự đánh giá rất sâu sắc của đại biểu Quốc hội. Đối với những Thẩm phán có phiếu tín nhiệm chưa cao cần phải cố gắng, để xứng đáng với lòng tin của Quốc hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
“Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Tư pháp, Tòa án được giao quyền tư pháp. Một nhánh quyền cực kỳ quan trọng, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là một trọng trách vô cùng to lớn và Hội đồng Thẩm phán tối cao lại càng phải có vị trị quan trọng. Đây là một cuộc bỏ phiếu, nhưng còn là cuộc phê chuẩn tín nhiệm; đồng thời là một cuộc đòi hỏi của Quốc hội và Nhân dân đối với các vị Thẩm phán” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, Quốc hội đã bỏ phiếu và đa số đại biểu tán thành phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về vệc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả tổng hợp thảo luận ở Đoàn về đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo Báo cáo của Đoàn Thư ký, qua thảo luận đa số các ý kiến tại các Đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí với 15 nhân sự như Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cân nhắc kỹ một số trường hợp chưa qua công tác xét xử; chưa qua công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm…
Chiều nay (26-6), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Sau đó, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Theo TTXVN