Sự hiện diện và hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông có lẽ là động lực chính để Philippines quyết định tạm hoãn việc chấm dứt Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng (VFA) kéo dài 20 năm với Mỹ.
Điều chỉnh “chọn lọc”
Động thái này của Philippines diễn ra trong bối cảnh rõ ràng Manila thời gian qua cũng không có “thiện cảm” với Washington. Điều này cũng cho thấy mối quan hệ của Manila với Bắc Kinh đang tồn tại không ít bất đồng. Trung Quốc có thể đẩy Philippines lại gần hơn với Mỹ. Ngoại trưởng Teodoro Locsin ngày 3-6 cho biết Philippines sẽ kéo dài thời hạn VFA ít nhất là tới cuối năm nay.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines, “những căng thẳng leo thang giữa các cường quốc” tại châu Á đã thúc đẩy chính phủ Manila giữ lại hiệp ước.
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới và chính người dân trong nước ngạc nhiên khi theo đuổi một chính sách thân thiện mới với Bắc Kinh. Trung Quốc đáp lại với lời hứa viện trợ nhiều tỷ USD và đầu tư. Tháng trước, Trung Quốc đã chuyển tới Philippines 150.000 bộ xét nghiệm COVID-19 và 70.000 khẩu trang N95.
Trong khi đó, Tổng thống Duterte cũng không ngừng tìm cách chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở trong nước. Ông bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về chiến dịch bài trừ ma túy của Philippines và phản đối việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho cựu tư lệnh cảnh sát Ronald dela Rosa, hiện là một nhà lập pháp và là nhân vật chính trong chiến dịch bài trừ ma túy gây nhiều tranh cãi của Manila.
Tuy nhiên, theo giáo sư Alexander Huan, chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược tại Đại học Tamkang (Đài Loan), Tổng thống Duterte vẫn tin vào quân đội Mỹ. Nếu VFA chấm dứt, quân đội Mỹ chỉ có thể vào Philippines khi được cấp phép đặc biệt. Phó giáo sư chuyên ngành chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cơ đốc quốc tế (Tokyo) Stephen Nagy cho rằng Philippines có thể gia hạn thỏa thuận như một công cụ thương thuyết. Ông bình luận: “Tổng thống Duterte có thể yêu cầu quân đội Mỹ huấn luyện thêm hay mang theo một số khí tài khi ghé thăm”.
Philippines hoãn chấm dứt VFA.
Trong năm 2018, Philippines đã bắt đầu kêu gọi xem xét lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) được ký kết năm 1951, nền tảng của liên minh kéo dài 7 thập niên với Mỹ. VFA, có hiệu lực năm 1999, được ví như chiếc mỏ neo của Hiệp ước MDT. Việc Trung Quốc gia tăng những hoạt động phi pháp tại Biển Đông làm dấy lên những nhiệm vụ cấp bách phải giữ ổn định cho khu vực này. Có thể, đó cũng là lý do vì sao tổng thống tiếp tục “mặn mà” với VFA.
Richard Heydarian, học giả chuyên nghiên cứu các vấn đề chính sách đối ngoại của Philippines, cho rằng dù Manila tỏ ra khá mập mờ về nguyên nhân dẫn đến động thái nồng ấm trong quan hệ với Trung Quốc, song “rõ ràng” sự hung hăng của quốc gia này ở Biển Đông là một nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ. Ông nói: “Tôi cho rằng Tổng thống Duterte đang tìm mọi cách để điều chỉnh mối quan hệ của Philippines không chỉ với Mỹ mà còn với cả Trung Quốc...
Song, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh, đã khiến nhiều quốc gia thất vọng và thậm chí là tác động tiêu cực tới việc Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực”. Theo học giả này, “Tổng thống Duterte nhận ra rằng việc dựa vào những mối quan hệ đồng minh cũ, dù nó không hoàn hảo như thế nào đi chăng nữa, vẫn tốt hơn là để Trung Quốc hoành hành tại Biển Đông, Philippines không đủ sức tự răn đe tham vọng của Trung Quốc”.
Nhưng không dễ dàng
Thế nhưng, tiếp tục “mặn mà” với Mỹ cũng không phải dễ dàng với Philippines. Những yêu cầu đáng lo ngại của Tổng thống Donald Trump đối với các đồng minh có thể làm giảm kỳ vọng của Philippines về một sự cài đặt lại tích cực trong mối quan hệ này.
Nếu các đồng minh Thái Bình Dương và NATO có khả năng hơn đang được yêu cầu tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, làm thế nào để Philippines có thể đáp ứng được những yêu cầu từ phía Mỹ? Trước đây, khi thông báo chấm dứt VFA được gửi đi, phản ứng ngay lập tức của Tổng thống Trump là “nó sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền”, điều này cho thấy Mỹ cũng không quá đánh giá cao quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines.
Theo quyết định ban đầu của Tổng thống Duterte, VFA sẽ chính thức bị hủy vào tháng 8-2020. Tuy nhiên, giờ đây, chính quyền ông Duterte đã quyết định trì hoãn quá trình này. Trong thư gửi Đại sứ quán Mỹ, Chính phủ Philippines đã khẳng định rõ ràng rằng việc tạm hoãn quyết định đó có thể kéo dài sang năm 2021. Với việc Tổng thống Duterte dự kiến sẽ rời nhiệm sở vào năm 2022, điều này có nghĩa là VFA gần như chắc chắn vẫn còn hiệu lực.
VFA còn tồn tại sẽ tạo điều kiện cho Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng đặc nhiệm và máy bay không người lái để hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố và an ninh nội địa của Philippines. Do lực lượng vũ trang Philippines đang bị quá tải, vừa quản lý các trạm kiểm soát, vừa thực thi các biện pháp giãn cách xã hội trên khắp đất nước nên các phiến quân và các nhóm khủng bố đã giành được chỗ đứng ở các vùng ngoại vi đầy bất ổn của đất nước.
Vừa qua, hai bên đã nỗ lực cứu vãn VFA, thế nhưng cả hai đã quá tập trung đối phó với đại dịch, cho nên không có nhiều ý tưởng về quản lý liên minh. Và những hạn chế đi lại đã lấy đi cơ hội cho các cuộc họp cấp cao. Việc đình chỉ 6 tháng mới của quá trình chấm dứt VFA cho phép hai bên có thời gian để giải quyết các rào cản chính trị trong nước và tiến đến bàn đàm phán với trọng tâm và các nguồn lực cần thiết.
Những diễn biến trong nước ở Philippines cũng được cho là nhân tố khiến Philippines muốn cứu vãn VFA. Một số nhà lập pháp đã thách thức quyết định đơn phương của Tổng thống Duterte bãi bỏ VFA mà không cần Thượng viện chấp thuận. Các thượng nghị sĩ đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Theo TTXVN