Phối hợp tốt trong chống buôn lậu, gian lận thương mại

Cập nhật: 06-07-2015 | 09:28:59

Mặc dù trong thời gian qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã được ngành chức năng các địa phương triển khai liên tục nhưng hiệu quả chưa cao do lực lượng còn mỏng, các đối tượng “ngụy trang” hàng hóa tinh vi, khó phát hiện. Do đó, việc liên kết, phối hợp trong công tác quản lý thị trường (QLTT) với các tỉnh, thành giáp ranh là rất quan trọng. Đó là nhận định chung của Chi cục QLTT các tỉnh, thành phía Nam tại hội nghị sơ kết tình hình hoạt động của các đơn vị này trong 6 tháng đầu năm.

 Chi cục QLTT tỉnh tiêu hủy thuốc lá nhập lậu Ảnh: H.PHẠM

Thiếu chặt chẽ

Theo đánh giá, Bình Dương được xem là điểm trung chuyển hàng hóa thông qua đường bộ, đường thủy và đường sắt, do đó tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra khá phức tạp. Trong đó, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ các tỉnh phía Bắc vào Nam với số lượng lớn, chủ yếu tập kết tại ga Sóng Thần (TX.Dĩ An) trước khi đưa về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác để tiêu thụ.

Ông Trần Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, hiện nay hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu từ các tỉnh vào Bình Dương có xu hướng ngày càng tăng. Một số vụ việc điển hình như đầu tháng 1-2015, Đội QLTT số 8 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh đã phát hiện 2.000 đầu thu kỹ thuật số nhập lậu, không có hóa đơn trên tàu hỏa Bắc - Nam tại ga Sóng Thần. Đến tháng 5-2015, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và thu giữ 3.390 sản phẩm phụ tùng ô tô nhập khẩu các loại không hóa đơn, chứng từ trên tàu hỏa Bắc - Nam...

Lãnh đạo một số chi cục QLTT cho rằng, với tình hình buôn lậu diễn ra phức tạp, nhất là tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành nhưng công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát, hỗ trợ thông tin giữa ngành chức năng của các địa phương chưa tốt. Ông Châu Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh và Long An phối hợp kiểm tra 6 vụ tại địa bàn giáp ranh, các đối tượng thường tập trung tại các khu vực này để vận chuyển hàng lậu như thuốc lá, đường cát để đưa về các tỉnh tiêu thụ. Chẳng hạn như thuốc lá lậu, đường cát lậu đưa về tỉnh Bình Dương bằng đường bộ qua tỉnh Bình Phước và khu vực giáp ranh giữa huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) và huyện Dầu Tiếng (Bình Dương).

Ngoài ra, công tác thông tin trao đổi, phối hợp về những đối tượng vận chuyển hàng lậu trên các tuyến giao thông liên tỉnh còn hạn chế, chưa phối hợp theo chiều sâu trên một số lĩnh vực như phối hợp kiểm tra sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng... Theo ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bình Dương phát hiện vụ công nhân nhận quà tết với sản phẩm bột nêm Knorr giả nhưng việc trao đổi thông tin giữa Chi cục QLTT Bình Dương và Đồng Nai chưa kịp thời nên khi kiểm tra doanh nghiệp có hành vi đưa bột nêm Knorr giả để làm quà tết cho công nhân đã kịp thời tẩu tán số hàng giả này. Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai chỉ phát hiện và xử lý được hơn 1 tấn bột nêm Knorr giả.

Đẩy mạnh liên kết

Để nâng cao hiệu quả trong công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại, chi cục QLTT các tỉnh, thành phía Nam đã thống nhất đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn giáp ranh; tích cực hỗ trợ xác minh, thu thập chứng cứ, bảo đảm cơ sở pháp lý khi cần thiết; đồng thời đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ dừng phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng lậu trên các tuyến trục lộ giao thông liên tỉnh khi có căn cứ.

Ông Trần Trọng Kỳ nói, trong thời gian qua sự phối hợp giữa các tỉnh, thành còn hạn chế, do đó việc đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, thu thập chứng cứ sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Còn ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng, Trưởng Văn phòng đại diện Cục QLTT (Bộ Công thương) tại TP.Hồ Chí Minh đánh giá, công tác chống hàng lậu, gian lận thương mại của các tỉnh, thành phía Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt những kết quả tốt, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm, góp phần ổn định thị trường. Việc các chi cục QLTT xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, xác minh sẽ giúp phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi, thủ đoạn mới và đưa ra các biện pháp phòng ngừa đối phó, tránh được tình trạng tẩu tán hàng hóa vi phạm từ địa phương này sang tiêu thụ ở địa phương khác. “Trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ kiến nghị lên Bộ Công thương điều chỉnh, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp, nâng thẩm quyền xử phạt của chi cục QLTT, điều chỉnh mức hỗ trợ cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ...”, ông Quang cho biết thêm.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, Bình Dương được xem là một trung tâm luân chuyển, lưu kho hàng hóa lớn từ các tỉnh phía Bắc, Tây nguyên và Nam bộ thông qua đường bộ, đường thủy và đường sắt. Với đặc thù đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại Bình Dương diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Tuy còn khó khăn về nhân sự, phương tiện nhưng lực lượng QLTT tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát, qua đó phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại có hiệu quả, việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác của chi cục QLTT các tỉnh, thành phía Nam sẽ giúp cho việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm được triệt để và đưa ra được sự thống nhất trong công tác phối hợp hoạt động, nhất là các vùng giáp ranh.

 

 KHÁNH ĐĂNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=659
Quay lên trên