Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các địa phương ở huyện Bàu Bàng đã hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Mô hình trồng bưởi, cam ở Trang trại Mai Quốc (xã Cây Trường II) cho hiệu quả kinh tế cao
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhiều địa phương ở huyện Bàu Bàng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng và triển khai chương trình phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp điểm.
Qua đó, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như trang trại trồng ổi lê Đài Loan, quýt đường, với diện tích 5 ha, cho sản lượng 118 tấn/năm; chăn nuôi heo thịt, sản lượng trên 380 tấn/năm; bưởi Thanh Thủy, với diện tích 34 ha, cho sản lượng 200 tấn/năm; mô hình trồng măng điền trúc, cao su và nuôi cá sấu của hộ ông Nguyễn Văn Đông, cho thu nhập 1,1 tỷ đồng/ năm; mô hình trang trại gà lạnh của hộ ông Lê Văn Bảy, cho thu nhập 11,5 tỷ đồng/năm; mô hình chăn nuôi heo và cao su của ông Trần Văn Vạn (xã Lai Hưng) cho thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng/năm; trang trại chăn nuôi heo trại lạnh của ông Phạm Văn Tạo (xã Lai Uyên) thu lãi hơn 1,3 tỷ đồng/ năm; mô hình trồng cây ăn trái và măng điền trúc của ông Nhị Văn Xum (xã Trừ Văn Thố) cho thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng mỗi năm…
Để đứng vững trên thị trường, trang trại bưởi Thanh Thủy đã áp dụng công nghệ vào trồng trọt và tuân theo quy trình sản xuất VietGAP. Nhờ đó bưởi da xanh của trang trại luôn bảo đảm “sạch”, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay Nitrate trong ruột bưởi. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ trang trại bưởi Thanh Thủy, xã Long Nguyên, chia sẻ để đứng vững trên thị trường, trang trại của bà đã tăng cường áp dụng công nghệ vào trồng trọt, tuân theo quy trình sản xuất VietGAP. “Qua việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho thương hiệu bưởi da xanh Thanh Thủy có mặt tại các siêu thị trên cả nước như Co.opmart, Lotte… và đã “xuất ngoại”, cung cấp cho hệ thống Metro Hà Lan, Cộng hòa Séc. Với diện tích sản xuất gần 34 ha, mỗi năm trang trại cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 200 tấn bưởi. Sau khi trừ chi phí cho doanh thu trung bình 8 tỷ đồng/năm”, bà Thủy nói.
Mô hình trồng cây ăn trái có múi của gia đình ông Trần Bùi Thanh Lâm, chủ trang trại Mai Quốc (xã Cây Trường II) là điển hình về phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao của huyện Bàu Bàng đã phát huy hiệu quả tích cực. Sau khi tìm hiểu quy trình sản xuất cây có múi, gia đình đã áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch với hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao, dẫn đến tận gốc, đúng với mức độ yêu cầu của cây và hoàn toàn tự động, tiết kiệm được chi phí, công sức lao động. Với diện tích gần 40 ha, mỗi năm doanh thu bưởi đạt trên 330 triệu đồng/ha, cam đạt 300 triệu đồng/ha.
Với hơn 10 ha quýt đường, ông Lê Văn Phấn, ở xã Trừ Văn Thố, đã áp dụng công nghệ tưới tự động từ khi trồng cây giống, giúp cây sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao. “Trồng loại cây có múi quan trọng là phải tham khảo tài liệu hướng dẫn, tìm hiểu kỹ thuật khác nhau. Mặc dù đã thành công với cây quýt nhưng tôi vẫn luôn học hỏi, áp dụng các công nghệ mới để có thể nâng cao hơn nữa năng suất vườn cây”, ông Phấn chia sẻ. Bên cạnh các trang trại có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm, toàn huyện Bàu Bàng còn có hàng trăm hộ nông dân với các mô hình như trồng nấm, trồng hoa lan, rau… theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị với thu nhập trung bình từ 100 - 500 triệu đồng/năm.
PHƯƠNG ANH