Trong những năm gần đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Bàu Bàng có bước phát triển mạnh, đạt được một số kết quả tích cực, huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa.
Lãnh đạo huyện Bàu Bàng tặng hoa cho các gia đình tại liên hoan gia đình văn hóa - thể thao tiêu biểu huyện Bàu Bàng năm 2020
Chuyển biến tích cực
Qua 20 năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Bàu Bàng đã từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng thuận cao. Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết trong những năm gần đây, phong trào có bước phát triển mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất về chỉ đạo và phối hợp hoạt động. Các phong trào cụ thể có thể kể đến, như: Gương người tốt việc tốt; gia đình văn hóa; khu, ấp văn hóa; xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại... Đến nay, các chỉ tiêu của phong trào cơ bản đều đạt theo chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Trong giai đoạn 2014-2020, UBND huyện Bàu Bàng đã bố trí vốn xây dựng cơ bản từ các nguồn để hỗ trợ, đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; 5 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng; 43 nhà văn hóa khu, ấp, công viên, quảng trường… với tổng vốn hơn 50 tỷ đồng. Hầu hết các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng đã xây dựng mới và nhà văn hóa khu, ấp đều có trang thiết bị âm thanh. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 89 sân chơi thể thao và trò chơi thiếu nhi, trong đó có 4 hồ bơi, 12 câu lạc bộ thể hình - thẩm mỹ, 19 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 12 sân bóng chuyền, 7 sân bóng bàn, 5 câu lạc bộ cầu lông, 27 câu lạc bộ bi da, 3 sân bi sắt.
Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, các phong trào đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phong trào xây dựng mô hình xã văn hóa gắn với xây dựng xã nông thôn mới góp phần làm chuyển biến tích cực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là tại các xã nông nghiệp, nông thôn. Người dân các xã này thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh và thực hiện tốt phong trào gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng nếp nghĩ, nếp sống văn hóa trong từng cá nhân, từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng góp phần làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm văn hóa độc hại.
Nâng chất các danh hiệu
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp và đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh trong xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Nhằm nâng cao hiệu quả của phong trào, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào huyện sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện phong trào ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn thực chất về văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...
Bên cạnh đó, huyện tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, đồng thời thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nhằm đẩy mạnh việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đồng thời, tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn, củng cố quốc phòng - an ninh.
Cũng theo ông Cường, địa phương sẽ tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các phong trào, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu. Theo đó, Ban Chỉ đạo phong trào từ huyện đến cơ sở đề ra kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, phúc tra công nhận các danh hiệu, chấm điểm thi đua phong trào theo định kỳ, kiên quyết không công nhận mới hoặc công nhận lại các danh hiệu văn hóa chưa đủ chuẩn cũng như các trường hợp vi phạm quy định.
MINH HIẾU