Bên cạnh cây trồng chủ lực là cao su, thời gian qua huyện Phú Giáo cũng phát triển mạnh cây tiêu (tập trung chủ yếu ở xã An Bình). Trước tình trạng khô hạn năm nay diễn ra gay gắt, huyện Phú Giáo đã và đang tập trung làm tốt công tác thủy lợi để bảo đảm nước tưới tiêu cho nông nghiệp và phòng chống cháy rừng (PCCR).
Hiện nay, huyện Phú Giáo có hơn 35.000 ha cao su. Tuy cây cao su không cần nhiều nước như các giống cây trồng khác nhưng vào mùa khô (cũng là mùa thay lá) nguy cơ xảy ra cháy vườn cao su là rất lớn. Bà Huỳnh Thị Lượm, người dân xã An Linh, cho biết: “Tuy giá mủ cao su đang xuống rất thấp, hiện tại chỉ có giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng bà con ở đây vẫn rất quan tâm PCCR cao su, vì đó là công sức, tiền bạc bỏ vào đầu tư không thể để lửa làm thiêu rụi tất cả. Tôi ngày nào cũng đi gom lá trong rừng cao su đề phòng hỏa hoạn, đó là một trong những cách bảo vệ tài sản của gia đình mình”.
Hồ thủy lợi Phước Hòa vẫn bảo đảm nước tưới tiêu cho hoa màu, cây tiêu... trên địa bàn huyện Phú Giáo vào cao điểm mùa khô. Ảnh: P.HIẾU
Tại xã An Thái có diện tích trồng cao su 2.855 ha, công tác PCCR đã được triển khai từ đầu năm 2015. Ông Vũ Văn Chửng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết từ tháng 1-2015 đến nay, tại xã đã xảy ra một vụ cháy rừng. Nhờ công tác PCCR được triển khai rộng rãi đến các gia đình nông dân trước đó nên thiệt hại từ vụ cháy không đáng kể. Từ đầu tháng 4, xã cũng đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các ấp tuyên truyền cho nông dân trồng cao su đi “thổi lá” và tạo các vùng biên trên từng lô cao su nhằm PCCR hiệu quả, không để lửa lan rộng sang các vườn cao su khác khi xảy ra hỏa hoạn. “Cao su là cây công nghiệp đã giúp bà con xóa đói giảm nghèo và đưa An Thái trở thành xã nông thôn mới. Do vậy, phải bảo vệ rừng cao su trong mùa khô một cách khoa học và quyết liệt nhất”, ông Chửng nói.
Tuy tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới tiêu vẫn chưa xảy ra nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, ngành thủy lợi huyện Phú giáo đã vào cuộc từ giữa tháng 3 để kiểm tra tình hình khô hạn trong mùa khô năm 2015. Khảo sát tại hai xã Phước Sang và Tam Lập cho thấy trên địa bàn có hơn 10.000 ha cao su, nếu mùa khô kéo dài nguy cơ cháy vườn cao su sẽ rất lớn. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng và địa phương, bà con nông dân cần thường xuyên quét dọn lá khô và tích cực tạo ra các vùng biên bảo vệ cây trồng.
Tại xã An Bình, khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến gần 3.200 ha hoa màu, hơn 300 ha cây tiêu đang vào mùa thu hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình (nơi tập trung diện tích trồng tiêu nhiều nhất huyện Phú Giáo), hiện bà con nông dân đang tích cực đào giếng lấy nước tưới cho cây tiêu. Với đặc thù là cây trồng ưa nước, nếu thiếu nước năng suất cho hạt của cây tiêu sẽ giảm. Cũng may nhờ thời gian gần đây giá tiêu lên cao (dao động từ 170.000 - 200.000 đồng/kg) nên bà con nông dân có điều kiện khoan thêm giếng, chủ động tìm nguồn nước tưới tiêu trong mùa khô.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay sẽ thấp hơn trung bình các năm trước. Tại các tỉnh Đông Nam bộ (trong đó có Bình Dương) sẽ phải chịu cảnh khô hạn và thiếu nước kéo dài đến tận cuối tháng 9. Như vậy, huyện Phú Giáo cũng nằm trong điều kiện chung đó.
PHÙNG HIẾU