Phương án hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi triều cường

Cập nhật: 27-10-2022 | 12:36:04

(BDO) Từ đầu tháng 10 đến nay, triều cường dâng cao kết hợp với lượng nước xả từ lòng hồ Dầu Tiếng đã gây ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực ven sông Sài Gòn. Trong đó, chịu ảnh hưởng nhiều và nặng nhất là những vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi và hệ thống mặt nước nuôi trồng thủy sản ở khu vực huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát. Để giúp người dân khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng ngập úng, những ngày qua chính quyền và Hội Nông dân các địa phương đã tập trung nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ ban đầu, giải quyết khó khăn của người dân.

Nhiều vườn cây có nguy cơ mất mùa

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay, hàng chục ha đất trồng cây ăn trái kết hợp nuôi trồng thủy sản của người dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng cục bộ. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất khoảng 20 ha vườn măng cụt của các hộ dân ở khu vực các ấp Bưng Còng, Rạch Kiến, Lâm Vồ đoạn ven sông Sài Gòn.


Tình trạng ngập úng cục bộ do triều cường dâng cao kết hợp xả lũ từ hồ Dầu Tiếng trên địa bàn xã Thanh Tuyền những ngày qua. Trong ảnh: Nước ngập vườn măng cụt của người dân ở ấp Rạch Kiến, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng

Ông Nguyễn Văn Tỵ, nông dân có vườn măng cụt kết hợp 5 ao cá ở khu vực ấp Rạch Kiến, cho biết vườn của ông thuộc dạng cao nhất ở khu vực này nhưng từ ngày 5 đến 10-10 vừa qua vẫn bị ngập khá sâu. Theo đó, thời điểm khi triều cường dâng cao kết hợp lưu lượng xả lũ từ 200-300m3/s của hồ Dầu Tiếng, vườn măng của gia đình ông đã bị ngập sâu từ 40-60cm trong thời gian dài. Trong khi đó, đàn cá nuôi trong các ao với trữ lượng cá ước tính hơn 300kg cũng đi theo con nước ra sông.

Có mặt tại địa phương cơ sở trong những ngày này, chúng tôi ghi nhận tình trạng ngập úng cục bộ khá phổ biến. Theo đó, hầu hết các vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi và diện tích nuôi trồng thủy sản đều bị ảnh hưởng, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho người dân. Ông Nguyễn Văn Đường, nông dân ấp Rạch Kiến, xã Thanh Tuyền, cho biết đợt ngập từ đầu tháng đến giữa tháng 10 vừa qua đã khiến vườn măng của gia đình ông giảm đi khá nhiều năng suất cho vụ hè năm 2023. Ngoài ra, một số cây măng do mới được bón phân trước đó đang ra rễ non khi bị ngập cũng đã có dấu hiệu úng nước và chết.

Vào những ngày trung tuần tháng 10-2022, chúng tôi tiếp tục ngược dòng sông Sài Gòn đến xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng để ghi nhận tình trạng ngập úng tại đây. Theo phản ánh của người dân, lượng lớn các vườn cây ăn trái và ruộng đồng ở khu vực lưu vực sông Sài Gòn đoạn qua ấp Bến Tranh cũng bị ảnh hưởng bởi triều cường dâng cao và xả lũ từ hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng ở khu vực này chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ và ít gây ra ảnh hưởng, thiệt hại đối với các trang trại chăn nuôi, vườn cây ăn trái.

Theo tìm hiểu, hiện nay có đến 80% diện tích đất khu vực ven sông Sài Gòn đoạn từ huyện Dầu Tiếng đến TX.Bến Cát đang được người dân sử dụng để phát triển hệ thống vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi. Tình trạng ngập úng cục bộ do triều cường dâng cao kết hợp nước xả lũ từ hồ Dầu Tiếng vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với vườn cây, trang trại ở đây. Các chuyên gia nông nghiệp khẳng định dù cây măng có khả năng chịu ngập khá tốt nhưng do tình trạng ngập sâu kéo dài nên mùa vụ năm 2023 sẽ giảm đáng kể lượng trái. Trong khi đó, những vườn măng nếu được bón phân trước thời điểm ngập từ 10 ngày đến nửa tháng thì có khả năng cao sẽ có nhiều cây bị chết do bộ rễ non chịu ngập kém.

Giải pháp trước mắt kết hợp lâu dài

Sau khi nhận được thông tin về việc nhiều ha vườn cây ăn trái và trang trại chăn nuôi, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, các địa phương đã tăng cường lực lượng về cơ sở để ghi nhận tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, các địa phương có kế hoạch chi hỗ trợ đối với những gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại để có điều kiện gieo trồng trở lại sau khi tình trạng ngập úng kết thúc.


Nước ngập vườn, sân nhà của người dân ở ấp Lâm Vồ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Màu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, cho biết có khoảng 20 ha diện tích vườn cây ăn trái, trang trại chăn nuôi và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi ngập úng. Hiện địa phương đã hoàn thành thống kê tình hình thiệt hại của người dân và tổng hợp gửi về huyện để có những chính sách hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do ngập úng gây ra.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết tình trạng ngập úng cục bộ do triều cường dâng cao kết hợp xả nước từ hồ Dầu Tiếng là sự cố hiếm thấy trong nhiều năm qua. Địa phương đã giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp với Hội Nông dân huyện và chính quyền, đoàn thể các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát và thống kê tình hình thiệt hại của người dân. Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng, huyện sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp để tái thiết sản xuất sau ngập úng.

Ông Nguyễn Phương Linh cho biết thêm, địa phương đang nghiên cứu phương án xây dựng hệ thống đường ven sông Sài Gòn. Đây là tuyến đường giao thông, đồng thời cũng là đường đê bao chống ngập úng cho các khu vực dân cư, vườn cây ăn trái dọc lưu vực sông đoạn qua địa bàn huyện. Tuy nhiên, để bảo đảm không lãng phí nguồn vốn đầu tư và tạo hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện sẽ phải họp bàn và cân nhắc phương án, lộ trình xây dựng phù hợp. 

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng cao, những năm gần đây tỉnh Bình Dương đã chủ động đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao, cống ngăn triều ở dọc các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính… Tổng mức đầu tư cho hệ thống đê điều, cống ngăn triều trên địa bàn ước tính hơn 5.000 tỷ đồng và được triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2025. Hiện nay, các công trình này đang được triển khai xây dựng và điểm khởi đầu là những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường ở khu vực TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên