Quan tâm phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao

Cập nhật: 19-03-2024 | 08:57:08

Là địa phương vùng xa của tỉnh, thời gian qua, huyện Dầu Tiếng đã quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao (TCVHTT) từ huyện đến cơ sở. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song hoạt động của các TCVHTT này đã góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của nhân dân trên địa bàn.

 Trung tâm VHTTHTCĐ xã Long Hòa thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao của địa phương

Hiệu quả bước đầu

Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Mừng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian qua, UBND huyện đã bố trí nguồn vốn hơn 66,5 tỷ đồng để xây dựng các Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng (VHTTHTCĐ) tại các xã. Trên địa bàn huyện hiện có 5 xã đã được đầu tư xây dựng Trung tâm VHTTHTCĐ có đầy đủ các hạng mục công trình theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), gồm: Thanh An, Long Tân, Minh Hòa, Minh Thạnh và Định Thành. Các xã còn lại gồm: Long Hòa, Định Hiệp, Thanh Tuyền, Minh Tân và Định An dù chưa đầy đủ nhưng cũng đã xây dựng được một số hạng mục trong trung tâm nhằm phục vụ nhiệm vụ của địa phương cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu của nhân dân, như: Nhà văn hóa, sân bóng đá, sân bóng chuyền...

Từ khi đi vào hoạt động đến nay (từ năm 2011), Trung tâm VHTTHTCĐ xã Long Hòa trởthành điểm đến vui chơi, sinh hoạt thường xuyên của người dân trên địa bàn xã. Mỗi ngày, vào lúc sáng sớm và chiều mát, người dân thường đến đây đi bộ, tập luyện với các dụng cụ thể dục ngoài trời để rèn luyện sức khỏe. Ông Nguyễn Phước Dương, công chức văn hóa xã hội xã Long Hòa, cho biết với khuôn viên rộng hơn 2.000m2, Trung tâm VHTTHTCĐ xã là nơi tổ chức hội nghị, tập huấn của địa phương nói chung, cũng như các hoạt động văn hóa xã hội khác của các ngành, đoàn thể của xã. Ngoài nhà văn hóa đa năng, trong khuôn viên trung tâm còn có sân bóng đá lớn (11 người), đường đi bộ, các dụng cụ thể dục ngoài trời, khu các trò chơi thiếu nhi… nên đã đáp ứng phần nào nhu cầu tập luyện, sinh hoạt của nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tại trung tâm cũng luôn có các câu lạc bộ (CLB), đội nhóm văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sinh hoạt, tập luyện thường xuyên vào tất cả các ngày trong tuần, như: CLB Vovinam, võ cổ truyền, đờn ca tài tử, dưỡng sinh và đội văn nghệ Hội Người cao tuổi, đội văn nghệ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Riêng sân bóng đá, mỗi buổi chiều đều thu hút đông đảo thanh niên địa phương đến tập luyện. Sân bê tông nhà văn hóa và đường bao quanh trung tâm cũng là nơi được nhiều người dân ởcác độ tuổi đến tập thể dục, chạy bộ, đi bộ vào mỗi sáng, chiều hàng ngày.

Cần quan tâm nhiều hơn nữa

Ở cấp huyện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng là TCVHTT lớn nhất, được UBND huyện đầu tư trên mặt bằng có tổng diện tích hơn 23 ha. Ngoài hội trường đa năng với sức chứa trên 800 chỗ ngồi, bên trong khuôn viên công trình này còn có thư viện, các phòng chức năng, sân bóng đá, sân quần vợt, phòng tập đa năng, sân bóng chuyền, hồ bơi trẻ em… mở cửa thường xuyên phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân, bên cạnh nguồn ngân sách của Nhà nước, trong thời gian qua, huyện Dầu Tiếng cũng đã vận động các tổ chức kinh tế, nhân dân tham gia đầu tư xây dựng các TCVHTT. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng 8 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 4 CLB thể hình, 1 hồ bơi. Ngoài ra, địa phương cũng đã mời gọi đầu tư xã hội hóa 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo (tổng kinh phí 800 triệu đồng) tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện và 1 khu trò chơi thiếu nhi (kinh phí 200 triệu đồng) tại Trung tâm VHTTHTCĐ xã Minh Hòa.

Theo ông Lê Hồng Mừng, việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát huy công năng của các TCVHTT từ huyện đến cơ sở đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc gắn kết cộng đồng, thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Để nâng cao và phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống TCVHTT trên địa bàn huyện, phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo đảm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; có cơ chế mở để mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xã hội hóa vào các hoạt động văn hóa, thể thao, nhất là đầu tư các TCVHTT ở các xã, thị trấn.

“Phòng cũng kiến nghị UBND huyện tiếp tục bố trí kinh phí để xây dựng các TCVHTT đạt tiêu chuẩn của Bộ VHTT&DL; đồng thời kiến nghị Sở VHTT&DL tham mưu UBND tỉnh cho phép chuyển đổi chức năng một số hạng mục đã được đầu tư xây dựng nhưng không còn phù hợp với nhu cầu xã hội, như: Phòng truy cập internet, phòng đọc sách... sang thực hiện chức năng khác. Bên cạnh đó, huyện và tỉnh cũng cần quan tâm hơn đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở có trình độ, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao để làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả các TCVHTT”, ông Lê Hồng Mừng nói.

 HỒNG THUẬN - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên