Quảng bá du lịch từ những “địa chỉ đỏ”

Cập nhật: 24-09-2016 | 08:04:19

Phát huy truyền thống cách mạng và nét văn hóa độc đáo của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”, thời gian qua, tuổi trẻ Bình Dương luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng của tỉnh, từ đó có nhiều hoạt động góp phần không nhỏ trong việc quảng bá du lịch Bình Dương qua các “địa chỉ đỏ”.

 

Hành trình “Tôi yêu Bình Dương” thực hiện chuyến tham quan tại Vườn cao su thời Pháp thuộc tại huyện Dầu Tiếng. Ảnh: T.THỦY

 Thời gian qua, nhiều người dân hẳn không còn xa lạ với chương trình hành trình “Tôi yêu Bình Dương” của nhóm bạn mang tên Nâu đất. Có dịp gặp gỡ, trao đổi cùng anh Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Bình Dương, người đã nảy sinh ý tưởng kết nối nhiều bạn trẻ đến với hành trình “Tôi yêu Bình Dương”, chúng tôi được biết, từ sở thích ban đầu là được đạp xe khám phá khắp mọi miền Tổ quốc, Đức đã cùng một nhóm bạn đã tổ chức những chuyến đạp xe khám phá các địa danh, di tích lịch sử, cách mạng. Từ hành trình xuyên Việt, Nguyễn Minh Đức tính toán xây dựng hành trình ngay tại địa phương mình sinh sống. Hành trình “Tôi yêu Bình Dương” ra đời đã tạo môi trường cho các bạn trẻ đến và tìm hiểu về nghề làm gốm Bình Dương, tranh sơn mài, chùa Châu Thới, Cù lao Rùa, Tượng đài nữ thanh niên xung phong Đoàn Thị Liên, vườn cây cao su thời Pháp thuộc… Trong những chương trình, các bạn trẻ có dịp khám phá các vùng đất, những cung đường tại các “địa chỉ đỏ”, kết nối bạn bè qua hoạt động vì cộng đồng và trải nghiệm làm nông dân, thợ gốm, thợ vẽ tranh sơn mài, làm chiến sĩ, thanh niên xung phong…

“Ngoài ra, hành trình còn có hoạt động “Sống ý nghĩa, sống tích cực để trưởng thành” qua việc giao lưu văn hóa, văn nghệ với đoàn viên, hội viên thanh niên tại địa phương; trao những phần quà nhỏ nhằm chia sẻ với các em nhỏ gặp khó khăn...”, anh Đức chia sẻ. Đáng khích lệ và vui mừng hơn là mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khi hiểu về các di tích lịch sử cách mạng, sẽ góp phần gìn giữ, tuyên truyền rộng rãi, giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng như là một điểm đến tham quan du lịch đầy hấp dẫn đến với bạn bè gần xa.

Cũng nhằm mục đích quảng bá du lịch Bình Dương, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch, trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp cùng Tỉnh đoàn Bình Dương, Phòng Văn hóa - Thông tin TX.Thuận An tổchức lễ phát động chương trình “Tuyên truyền, quảng bá điểm đến du lịch tại các di tích văn hóa, lịch sửcách mạng trên địa bàn tỉnh trong ĐVTN”. Tại hoạt động này, các bạn trẻ đã được tham quan, nghe giới thiệu về các di tích lịch sử cách mạng; di tích kiến trúc nghệ thuật; tham quan, trải nghiệm thực tếmột số công đoạn sản xuất nghề thủ công truyền thống trên địa bàn TX.Thuận An... Thông qua các hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trong ĐVTN về các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, hướng đến việc sử dụng và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, văn hóa trong hoạt động Đoàn, Hội và phát triển du lịch.

Nhìn chung, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các mô hình, giải pháp hiệu quả góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Gắn với công tác tuyên truyền giáo dục cho thanh thiếu nhi nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước, dưới sự định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn quan tâm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho ĐVTN thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội trại truyền thống, về nguồn; các hội thi, cuộc thi tìm hiểu về các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh; các hoạt động tham quan thực tế… Tiêu biểu là cuộc thi tìm hiểu 85 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương với gần 9.000 lượt đoàn viên tham gia. Qua hội thi, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức cho đoàn viên tham quan về nguồn, tìm hiểu các địa chỉ đỏ, các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh góp phần làm cho bài thi thêm sinh động.

Có thể nói, việc tìm hiểu kiến thức về các di sản văn hóa dân tộc, di tích lịch sử, những “địa chỉ đỏ” đã và đang góp phần xây dựng ý thức và trách nhiệm cho ĐVTN, sinh viên, học sinh trong việc giữ gìn, bảo vệ, tuyên truyền giátrịdi tích văn hóa, lịch sửcách mạng. Đồng thời, đây cũng là một phương pháp giáo dục truyền thống nhằm thể hiện vai trò tích cực của mỗi bạn trẻ trong việc giới thiệu nét đẹp quê hương đến bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước.

 THU THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên