Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Hội đồng Đại biểu nhân dân (Hạ viện) Indonesia, bà Puan Maharani.
Ngày 23-12, cổng thông tin điện tử của Hạ viện (DPR) và Quốc hội (MPR) Indonesia đã đăng tải các bài viết dài, thuật lại những nội dung trao đổi chính trong ngày 22-12 của lãnh đạo các cơ quan lập pháp này với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước từ ngày 21-23/12 tới Đất nước vạn đảo.
Theo trang web của DPR, Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi một số vấn đề, trong đó có thỏa thuận phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vừa được Indonesia và Việt Nam ký kết.
Bà Puan Maharani cho biết “Tòa nhà Con rùa” - trụ sở hiện nay của DPR - do Tổng thống đầu tiên của Indonesia Soekarno khởi xướng vào năm 1965 và được xây dựng để tổ chức Hội nghị các lực lượng mới nổi (CONEFO), trong đó có Việt Nam.
Bà hy vọng rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới địa điểm lịch sử này sẽ là “động lực” tăng cường hợp tác song phương giữa Indonesia và Việt Nam, trong đó có hợp tác nghị viện.
Nữ Chủ tịch đầu tiên của Hạ viện Indonesia cho rằng mối quan hệ ngoại giao Indonesia-Việt Nam được thiết lập từ năm 1955 và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Việc mối quan hệ tốt đẹp giữa Indonesia và Việt Nam được thiết lập kể từ khi hai nước bắt đầu giành được độc lập có thể nhận thấy rõ thông qua mối quan hệ thân thiết giữa những nhà lãnh đạo lập quốc của hai nước, cụ thể là Tổng thống đầu tiên của Indonesia Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Puan cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo đều có quan hệ thân thiện, có cùng tầm nhìn và hệ tư tưởng, cùng quan điểm về chủ nghĩa dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc và nhấn mạnh cuộc đấu tranh của các cộng đồng nhỏ. Mỗi người trong số họ đã thành công trong việc chống lại chủ nghĩa thực dân ở Indonesia và Việt Nam. Tôi nghe Tổng thống Sukarno gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là 'Bác Hồ,' và ngưỡng mộ vẻ ngoài giản dị của Bác Hồ, ăn mặc như một người Việt Nam bình thường.”
Cháu gái của người đọc tuyên ngôn độc lập của Indonesia nhấn mạnh: “Mối quan hệ thân thiết giữa những người sáng lập đất nước trong quá khứ có thể là nguồn vốn cho sự phát triển của mối quan hệ song phương hiện tại và trong tương lai.”
Nhân dịp này, bà Puan cũng đánh giá cao việc hai nước hoàn tất đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau 12 năm đàm phán và hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ trở thành động lực thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Bà Puan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong bối cảnh thế giới lâm vào giai đoạn khủng hoảng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Để đối mặt với những thách thức này, bà khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác song phương giữa các quốc gia như Indonesia và Việt Nam. Không chỉ vậy, hợp tác nghị viện có thể gia tăng giá trị cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Theo bà Puan, ngoài quan hệ thương mại và vận tải, hợp tác trong lĩnh vực du lịch - một phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 - có thể được cải thiện hơn nữa.
Bà cũng đánh giá cao quan điểm chung giữa Việt Nam và Indonesia về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, an toàn, ổn định và bao trùm như được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Nhân dịp này, bà Puan cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam ủng hộ Indonesia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Chủ tịch Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) vào năm tới.
Về phần mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng vào nỗ lực tăng cường quan hệ giữa hai nước, bắt đầu từ việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, du lịch, hàng hải, đến vị thế của Indonesia trong việc củng cố hòa bình ở khu vực ASEAN.
Bà Puan nhấn mạnh: “Chủ tịch nước Việt Nam đã nêu ra cách thức chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ ASEAN để khu vực này luôn hòa bình, thịnh vượng và không bị bất cứ điều gì quấy rầy."
Cũng trong ngày 23-12, trang web của MPR dẫn lời Phó Chủ tịch của cơ quan này - ông Yandri Susanto - nhấn mạnh “sự cần thiết tăng cường hợp tác Indonesia-Việt Nam trong nhiều vấn đề.”
Phát biểu khi cùng đón Chủ tịch nước với Phó Chủ tịch MPR Arsul Sani, ông Yandri cho rằng chuyến thăm của người đứng đầu nhà nước Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều hành và tiếp nối mối quan hệ lâu đời giữa hai nước.
Ông Yandri đánh giá rằng Việt Nam hiện có tốc độ phát triển rất nhanh. Tăng trưởng kinh tế và phát triển nhanh chóng đã nâng vị thế của Việt Nam lên ngang hàng với Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia.
Ông khẳng định “vai trò của Việt Nam ở Đông Nam Á hiện là rất cần thiết và ngày càng được cảm nhận rõ ràng,” đồng thời kêu gọi Việt Nam cùng Indonesia đóng góp tích cực cho ASEAN, vì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Yandri, Indonesia và Việt Nam là những quốc gia đang phát triển và có nhiều tiềm năng hợp tác. Cả hai đều là nước nông nghiệp và Indonesia cần học hỏi Việt Nam - nước có diện tích không lớn như Indonesia nhưng có sản lượng gạo cao. Không chỉ hợp tác nông nghiệp cần được thúc đẩy, Indonesia cũng cần hợp tác, học hỏi kinh nghiệm phát triển bóng đá của Việt Nam.
Phó Chủ tịch MPR cũng bày tỏ mong muốn quan hệ hai nước sẽ được vun đắp, không chỉ qua kênh chính phủ mà cả kênh nghị viện./.
Theo TTXVN