Quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc 

Cập nhật: 15-07-2015 | 08:18:26

Tại khoản 3, điều 14 Nghị định 86/2014/ NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ (Nghị định 86/2014/NĐ-CP) quy định: Kể từ ngày 1-7-2015, xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen); từ 15-7, thông tin dữ liệu của thiết bị phải được liên thông với hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ghi nhận trên địa bàn tỉnh hôm qua (14-7) cho thấy, 100% phương tiện thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này đều đã được lắp đặt thiết bị theo quy định.

 Nhiều thuận lợi

Bình Dương hiện có 6 doanh nghiệp (DN) kinh doanh taxi với 825 phương tiện; 98 DN kinh doanh vận tải bằng xe đầu kéo kéo rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc (hay còn gọi là xe container) với 775 phương tiện đã được cấp phù hiệu, tức là đã hoàn chỉnh các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; trong đó có việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phải liên thông được với hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ.

Các DN chấp hành nghiêm túc Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Ảnh chụp tại Công ty TNHH MTV ICD Tân Cảng Sóng Thần). Ảnh: D.CHÍ

Để đạt được kết quả này, trước đó lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã liên tục ban hành các văn bản nhắc nhở các DN kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn phải thực hiện lắp đặt, nâng cấp thiết bị giám sát hành trình đúng quy chuẩn QCVN:31/2014/BGTVT, quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ- CP, cũng như phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông phù hợp với loại hình kinh doanh của đơn vị.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT cho biết, thiết bị giám sát hành trình có rất nhiều cái lợi từ nhà quản lý đến DN và công tác điều hành hoạt động. 100% phương tiện của các DN vận tải hàng hóa đã chấp hành tốt quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cung cấp địa chỉ IP, password và liên thông được với hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ để các cơ quan chức năng thuận tiện giám sát, theo dõi hành trình hoạt động của phương tiện. Chỉ có 2 DN taxi là còn trục trặc về đường truyền. Để được cấp phù hiệu lưu hành thì DN phải bảo đảm các thủ tục hành chính theo quy định, trong đó có cả việc cung cấp IP, password và liên thông với hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ.

“Chúng tôi đã từ chối nhiều hồ sơ xin cấp phù hiệu dù đã có đầy đủ thủ tục nhưng thông tin hành trình không được liên thông với hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ. Điều này có thể được xem như “chưa có thiết bị giám sát hành trình” nên chưa đủ điều kiện để cấp phù hiệu lưu hành”, ông Hiếu nói.

Vẫn còn băn khoăn

Thông tin từ Tổng cục Đường bộ cho biết, đến đầu tháng 6-2015, bình quân có 71,59%/tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống thông tin của Tổng cục Đường bộ. Qua phân tích thông tin cho thấy, tình trạng vi phạm tốc độ diễn ra rất phổ biến. 10 địa phương có số lần vi phạm tốc độ cao nhất tính trên 1.000km với số lần vi phạm cao nhất là 124.611 lần, bình quân là 18,44 lần vi phạm tốc độ/1.000km. Đã có 28/63 tỉnh, thành trên cả nước xử lý 2.049 phương tiện vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; còn 22/63 tỉnh, thành chưa báo cáo kết quả xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình gửi về Tổng cục Đường bộ.

Thạc sĩ Lê Đức Hạ, Quyền Trưởng phòng Cơ giới xếp dỡ Công ty TNHH MTV ICD Tân Cảng Sóng Thần (TX.Thuận An) cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi đang phát triển mạnh về công nghiệp - dịch vụ với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư khá tốt; tại đây kết quả sản xuất, kinh doanh của DN được đo bằng thời gian và các địa phương cũng cạnh tranh nhau trong thu hút đầu tư bằng cách giảm tối đa thời gian cho DN. Trên hành trình tuyến, kể cả tuyến cao tốc do có nhiều phương tiện cùng lưu thông, dù rất tuân thủ quy định tốc độ nhưng phương tiện muốn vượt thì phải tăng tốc trong thời gian ngắn sau đó sẽ trở lại vận tốc bình thường theo quy định. Vì vậy, cần bổ sung quy định thời gian phương tiện quá tốc độ “từ 1 đến 3 phút” không bị xử phạt sẽ phù hợp hơn trong các trường hợp vừa nêu.

Vấn đề tiếp theo được nhiều DN phản ánh là “Phí bảo trì đường bộ đối với rơ-moóc”. Thiết bị này không có động cơ, không tự vận hành mà phải đóng phí bảo trì đường bộ là rất vô lý vì đầu kéo trước đó đã đóng phí.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=785
Quay lên trên