Quy định mới về Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý

Cập nhật: 17-10-2020 | 08:09:03

Ngày 28-4-2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTP ban hành Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý (TGPL). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-6-2020.

Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP ngày 8-12-2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc nghề nghiệp TGPL hết hiệu lực kể từ ngày thông tư này có hiệu lực. TGPL là một nghề đặc thù, cung cấp dịch vụ pháp lý không thu tiền cho người nghèo, đối tượng chính sách thuộc diện người được TGPL.

Người thực hiện TGPL có bổn phận bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, từ đó góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, Quy tắc nghề nghiệp TGPL ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/ TT-BTP gồm có 8 điều quy định các quy tắc ứng xử chuẩn mực đối với người thực hiện TGPL trong suốt quá trình thực hiện TGPL, từ khi tiếp nhận đến khi kết thúc vụ việc.

Một số điểm mới của Quy tắc nghề nghiệp TGPL: - Quy tắc về sự liêm chính: Việc đặt ra yêu cầu về tính liêm chính sẽ góp phần bảo đảm để việc thực hiện TGPL hướng tới mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

- Quy tắc độc lập khi thực hiện TGPL: Tính độc lập là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của người thực hiện TGPL, mang tính xuyên suốt khi hành nghề, đặc biệt khi tham gia tố tụng. Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện vụ việc phải tự mình đánh giá các tình tiết, chứng cứ của vụ việc mà không chịu ảnh hưởng, tác động của bất cứ cá nhân nào, đồng thời không được để lợi ích của mình hoặc lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ảnh hưởng đến việc thực hiện vụ việc TGPL.

- Quy tắc bảo mật thông tin trong TGPL: Ngoài việc kế thừa những quy định giữ bí mật thông tin về vụ việc tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BTP, Quy tắc này bổ sung yêu cầu giữ bí mật đối với thông tin về vụ việc, việc TGPL, người được trợ giúp pháp lý mà mình biết được không chỉ trong quá trình thực hiện vụ việc mà ngay cả khi vụ việc đã kết thúc; không được sử dụng thông tin mà mình có được để gây bất lợi cho người được TGPL, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội.

- Quy tắc ứng xử của trợ giúp viên pháp lý với người tập sự TGPL: Đây là một quy tắc mới bởi chế định tập sự là một chế định mới theo quy định của Luật TGPL năm 2017. Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người hướng dẫn tập sự cần có bổn phận tận tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp giúp người tập sự tiếp thu kiến thức để họ trưởng thành trong nghề nghiệp, tự tin, vững vàng khi thực hiện TGPL cho người dân.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=542
Quay lên trên