Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2019/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến. Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện hoạt động sáng kiến, gồm: Nguồn ngân sách Nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách để thực hiện hoạt động sáng kiến thuộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn kinh phí của các doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sáng kiến của doanh nghiệp; kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Thông tư cũng quy định rõ nội dung và mức chi họp của Hội đồng sáng kiến. Cụ thể, Chủ tịch hội đồng tối đa không quá 500.000 đồng/buổi họp; Phó Chủ tịch hội đồng, thư ký hội đồng và các thành viên hội đồng tối đa không quá 200.000 đồng/ người/buổi họp; các thành phần khác tham gia hội đồng theo quyết định của người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến tối đa không quá 100.000 đồng/người/buổi họp.
Các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp phổ biến sáng kiến thuộc lĩnh vực quản lý của mình theo quy định. Nội dung và mức chi cụ thể. Theo đó, tổ chức dịch vụ môi giới chuyển giao sáng kiến: Thực hiện theo các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt. Thực hiện các hình thức giao dịch về sáng kiến (hội chợ, triển lãm): Ngân sách Nhà nước hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng; chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của ban tổ chức mức hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/đơn vị tham gia. Tổ chức hội nghị, hội thảo để hỗ trợ việc triển khai áp dụng sáng kiến lần đầu, công bố, phổ biến, áp dụng rộng rãi các sáng kiến: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3-3-2019.
K.T