Trong quý III-2010 các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp các tổng công ty (TCty) nhà nước hoạt động không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Hôm qua (19-8), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có Chỉ thị 1568/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 78-KL/TW ngày 26-7-2010 của Bộ Chính trị.
Trong Chỉ thị này, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp chi phối của Nhà nước (gọi chung là doanh nghiệp nhà nước) đến năm 2015 để doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối.
Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng khẳng định, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải "xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm".
Chấn chỉnh việc đầu tư vốn vào những ngành không liên quan đến ngành kinh doanh chính
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả những vấn đề nảy sinh. Hàng năm tiến hành sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, khen thưởng kịp thời những người có thành tích, đồng thời xử lý nghiêm minh các cá nhân có sai phạm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý ngành kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, UBND tỉnh thành phố có tổng công ty nhà nước phải đánh giá toàn diện hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của mình; hiện trạng cơ cấu ngành kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và đề xuất xác định rõ ngành nghề kinh doanh chính, biện pháp chấn chỉnh việc đầu tư vốn vào những ngành không liên quan đến ngành kinh doanh chính; đề xuất việc điều chỉnh cần thiết về mô hình tổ chức hoạt động của tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Công việc này phải hoàn thành trước ngày 31-12-2010.
Bên cạnh đó, xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp lại các tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực trọng yếu để hình thành những tổng công ty nhà nước đủ mạnh thực hiện có hiệu quả vai trò và nhiệm vụ được giao.
Cần có cơ chế thu hút người quản lý giỏi điều hành doanh nghiệp
Theo Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, việc huy động và sử dụng vốn, tỷ lệ nợ trên vốn của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quy định của Chính phủ về việc áp dụng Luật Cán bộ công chức đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và người quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút những người quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp; mở rộng các hình thức hợp đồng thuê cán bộ quản lý giỏi.
Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong khi chưa sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của mình theo 3 nội dung:
Thứ nhất, việc vay vốn ở nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật và phải có ý kiến đồng ý của bộ quản lý ngành, thẩm định phê duyệt của Bộ Tài chính.
Thứ hai, việc thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp, bổ sung ngành nghề kinh doanh phải phù hợp với pháp luật, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của doanh nghiệp và phải được chấp thuận của bộ quản lý ngành.
Thứ ba, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91 phải được bộ quản lý ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện tổ chức quản lý, các quy chế trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh vào những lĩnh vực chính.
Theo Chinhphu.vn