Ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục ban hành lệnh cấm vận mới nhằm vào chính quyền Iran với mục đích gây sức ép khiến Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Kinh tế Iran tiếp tục bị ảnh hưởng lớn nhưng các quốc gia trực tiếp áp đặt những lệnh trừng phạt này cũng bị tác động không nhỏ, nhất là trong bối cảnh bầu cử diễn ra tại hai quốc gia Mỹ và Pháp.
Mất điểm vì dầu
Khi gọng kìm cấm vận càng siết chặt Iran thì phương Tây cũng chịu thiệt hại đáng kể, nhất là sau khi Tehran tuyên bố ngừng xuất khẩu sang một số nước EU trong đó có Anh và Pháp. Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ của Iran, ông Rostam Ghasemi, cho biết nếu châu Âu không hủy bỏ các biện pháp trừng phạt dầu chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng về thị trường năng lượng, đặc biệt về an ninh năng lượng. Nếu EU không từ bỏ lệnh trừng phạt bởi cuộc đàm phán hạt nhân vào tháng 5 tới, Iran sẽ tiếp tục cắt giảm xuất khẩu dầu sang châu Âu. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây có vẻ đã thất bại trong việc gây áp lực buộc Iran từ bỏ tham vọng theo đuổi chương trình hạt nhân. Trong khi đó, sự xuất hiện của tác động phụ ngoài dự đoán đã đặt ra một loạt thách thức mới.
Điều chỉnh giá xăng tại một trạm xăng ở Mỹ. Thất bại của đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong vòng 1 bầu cử tổng thống nước này trước ứng viên đảng Xã hội Hollade cho thấy cử tri Pháp tỏ ra thất vọng trước những chính sách cầm quyền của nhà lãnh đạo điện Elysse. Bất chấp những nỗ lực ghi điểm của ông Sarkozy trên chính trường thế giới trong thời gian qua như trực tiếp can dự vào cuộc chiến Libya, hợp tác với Đức trong giải quyết nợ công, có những tiếng nói mạnh mẽ tại mọi “mặt trận” ở các quốc gia bị cuốn trong vòng xoáy của “Mùa xuân Ảrập”, người dân Pháp vẫn tỏ ra thờ ơ với những nỗ lực này bởi điều họ quan tâm nhất là cải thiện kinh tế. Chính nạn thất nghiệp, lạm phát cao và giá dầu tăng cao không thể kiểm soát đã làm cử tri mất lòng tin nơi ông Sarkozy.
Căng thẳng tại Iran đã đẩy giá dầu tăng trong những tháng gần đây và mỗi một thùng dầu đã bị “đội” thêm từ 10 - 15 USD. Giá dầu đã vượt quá 100 USD/ thùng. Tại Pháp, cũng do lệnh cấm vận, giá dầu tăng đẩy giá xăng lên 5,54 USD/gallon. Tổng thống Nicolas Sarkozy đã tính đến kế hoạch mở cửa kho dầu dự trữ để “hạ hỏa” dân chúng nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì trên nguyên tắc Pháp phải được sự cho phép của IEA và sự hợp tác của Mỹ. Tính đến đầu năm 2012, kho dự trữ chiến lược của Pháp đã chứa 17 triệu tấn dầu và các sản phẩm nhiên liệu đã qua tinh chế (tương đương với lượng dầu tiêu thụ của cả nước trong 98,5 ngày, nhiều hơn chút ít so với yêu cầu quốc tế ở mức tương ứng 90 ngày), trong đó khoảng 12,5 triệu tấn do Ủy ban Dự trữ dầu chiến lược quản lý; số còn lại do các công ty dầu mỏ trong nước nắm giữ. Do các nền kinh tế châu Á vẫn đang “khát” năng lượng, Iran cứng rắn trong các biện pháp trả đũa khiến giá dầu trên thị trường liên tục lên cao nên nhà cầm quyền nước Pháp đã thất bại trong chiến dịch thuyết phục lòng dân.
Mất hy vọng cũng vì dầu
Tâm điểm của dư luận thế giới đang dồn về cuộc bầu cử Mỹ. Trận chiến giữa ông Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã bước vào giai đoạn gay cấn khi tỷ lệ ủng hộ ở mức sít sao. Cuộc thăm dò ý kiến của Gallup mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney hiện là 45% và 47%. Cả hai đều giành được 90% sự ủng hộ của các thành viên trong đảng. Cựu thống đốc Romney giành được 45% sự ủng hộ của các cử tri độc lập, những người rất quan trọng đối với kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới đây, trong khi ông Obama chỉ giành được 39%. 12% cử tri độc lập vẫn chưa quyết định.
Con át chủ bài của ông Obama trong đợt vận động tranh cử bầu cử là kinh tế, song với những gì diễn ra tại nước Mỹ, nhất là trong bối cảnh giá dầu leo thang hiện nay thì chỉ số hồi phục kinh tế của Mỹ đang tỏ ra mong manh. Ông Obama biết rõ rằng giá dầu tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế lại có khả năng tác động xấu đến việc tái đắc cử tổng thống trong năm nay nhưng ông lại đang vướng vào vòng lẩn quẩn với 3 mục tiêu: Ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, phục hồi kinh tế và tái đắc cử, mà đạt được mục tiêu này lại kéo chệch hướng mục tiêu khác.
Để trấn an dư luận, trong một tuyên bố phát đi từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho rằng các thị trường thế giới có đủ dầu để đảm bảo động thái này sẽ không tác động đến người tiêu dùng Mỹ và Mỹ có thể áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng và các thiết chế tài chính khác mua dầu từ Iran mà không làm khuấy động thị trường. Ông Obama cũng tính đến kế hoạch mở kho dự trữ dầu trong trường hợp Mỹ rơi vào trường hợp thiếu nhiên liệu. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, các biện pháp trừng phạt mới cũng tạo ra nguy cơ đối với ông Obama trong năm bầu cử Mỹ.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, 2/3 người dân Mỹ đang tỏ ra thất vọng với những biện pháp kiềm giá xăng dầu của chính phủ. Thái độ này đang tạo ra nhiều sức ép đối với chính quyền Tổng thống Obama. Đảng Cộng hòa cũng tận dụng cơ hội này để công kích rằng những chính sách năng lượng sai lầm của chính phủ khiến giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Trong bối cảnh 76% người dân Mỹ sử dụng ô tô để đi làm, việc giá xăng tăng quá cao và cách thức xử lý của chính phủ thực sự là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Theo SGGP