(BDO) Sáng 13-7, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đã gặp gỡ, làm việc với UBND tỉnh, các chủ đầu tư khu công nghiệp về hoạt động của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại hội nghị
Báo cáo của lãnh đạo Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh cho biết đến nay toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích hơn 10.962 ha, tỷ lệ diện tích đất cho thuê đạt hơn 88%. Các khu công nghiệp (KCN) đã thu hút 2.977 dự án đầu tư, gồm 2.319 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 25 tỷ 280 triệu USD và 658 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 77.300 tỷ đồng.
Tổng số lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh là 485.700 người, trong đó có hơn 90% lao động là người ngoài tỉnh, gần 15.000 lao động người nước ngoài. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN vẫn được duy trì.
Từ ngày 27-5-2021 đến nay, có 43 doanh nghiệp trong 25/27 KCN trên địa bàn tỉnh (trừ KCN Tân Bình và KCN Bàu Bàng mở rộng) xảy ra dịch Covid-19, với 369 ca F0; đã truy vết được 4.403 ca F1, 9.116 ca F2. Nguồn lây nhiễm chính từ các ổ dịch tại TP.Hồ Chí Minh. Có 95.141 lao động bị ảnh hưởng.
Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã ban hành 25 văn bản tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19; phát hành 100 văn bản đề nghị doanh nghiệp báo cáo kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, đăng ký ở lại nơi làm việc, khai báo điện tử QR Code, thành lập Tổ Covid tại các doanh nghiệp…Cùng với đó, Ban quản lý đã triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 2787 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN”; các quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động và các đối tượng có nguy cơ cao…
Qua yêu cầu và hướng dẫn, có 1.877/2.045 doanh nghiệp trong các KCN có báo cáo tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, chiếm 91% số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số này có 1.366 doanh nghiệp đánh giá rất ít nguy cơ, 433 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp, 71 doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm trung bình, 3 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao, 4 doanh nghiệp đánh giá nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã thành lập 5.013 Tổ An toàn Covid tại doanh nghiệp. Có 1362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự bảo đảm sản xuất trong điều kiện có dịch.
Để bảo đảm sản xuất an toàn trong điều kiện dịch Covid-19, 46 doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú vừa sản xuất, với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người. Ban quản lý Các KCN tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế ban hành các điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC nêu ý kiến kiến nghị tại buổi gặp gỡ, làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết sẵn sàng hỗ trợ nhà nước phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể như Tổng Công ty Becamex IDC ủng hộ 185 tỷ đồng vào Quỹ phòng chống Covid-19, nhanh chóng chuẩn bị 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 3.000 giường bệnh... Hiện các KCN gặp nhiều khó khăn khi bị phong tỏa, thực hiện “3 tại chỗ”; công tác test công nhân chưa kịp thời và chi phí tốn kém gần bằng tiêm vắc xin phòng Covid.
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần đẩy nhanh việc test nhanh Covid-19 cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị phong tỏa sớm được hoạt động trở lại an toàn; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa; cần bố trí xe hàng hóa lưu động cung cấp nhu yếu phẩm cho người lao động tại doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động; có giải pháp sớm tiêm vắc xin cho công nhân...
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị các ngành chức năng quyết liệt vào cuộc, tận dụng “thời gian vàng” trong khoảng 15 ngày còn lại để dập dịch và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, Ban quản lý Các KCN tỉnh kiện toàn kế hoạch về phòng chống dịch bệnh trong KCN theo hướng phát huy vai trò của các tổ phòng chống dịch các cấp một cách thực chất, hiệu quả, trên cơ sở có sự phối hợp cao độ giữa các ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Ngành y tế tiếp tục tổ chức tốt công tác phòng, chống, chặn dịch bệnh và điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngành cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lên 150.000-200.000 mẫu/ ngày, tranh thủ từ nguồn lực hỗ trợ của Bộ Y tế để bảo đảm công tác phòng chống dịch, chuẩn bị chủ động các nguồn vật tư; nâng cao năng lực xét nghiệm; xử lý ca F0 thật nhanh và hiệu quả trong thời gian sớm nhất…để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm ổn định và hoạt động sản xuất hiệu quả, an toàn sau khi phát hiện có ca nhiễm bệnh.
Các ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phòng chống dịch; tạo điều kiện cho người lao động, nhất là trong khu vực cách ly. Các tổ chức cần tiếp tục kịp thời hỗ trợ các chế độ đến người lao động theo quy đinh; Đoàn, Hội cần triển khai ngay các bếp ăn từ thiện, siêu thị 0 đồng đến khu vực người lao động gặp khó khăn … Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.
“Với phương châm xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình, lãnh đạo tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc khơi thông xuất khẩu, ổn định đời sống cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, người lao động là chiến sĩ …tất cả nhằm giữ vững thành quả, đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống cho người lao động, giữ vững sản xuất. Tất cả cùng bảo vệ thành quả của chính mình, phát triển kinh tế, chuẩn bị cho những cơ hội hậu Covid-19 và vì một Bình Dương tiếp tục phát triển trong tương lai...”, Bí thư Tỉnh ủy nói.
Tiểu My - Xuân Thi