Giao thông đi trước một bước, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, từ những năm đầu tái lập, Bình Dương đã cho thấy tầm nhìn chiến lược trên con đường phát triển của tỉnh nhà bằng việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông, từ đối nội đến đối ngoại. Và, thực tế giao thông của Bình Dương hôm nay đã khá hoàn thiện, đồng bộ, kết nối liên tỉnh, liên vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một đi lên.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục đầu tư mở rộng quốc lộ 13. Ảnh: XUÂN THI
1. Hơn 20 năm trước, tuyến quốc lộ 13 được Bình Dương đầu tư nâng cấp, mở rộng, đóng vai trò là tuyến giao thông huyết mạch để “chuyên chở” kinh tế - xã hội tỉnh nhà đi lên. Hơn thế, quốc lộ 13 còn mang trên mình “sứ mệnh” đối ngoại, tuyến giao thông kết nối vùng, trước hết là liên thông TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước. Quốc lộ 13 sau chừng ấy thời gian khai thác, “sứ mệnh” đối nội, đối ngoại vẫn không có gì thay đổi. Khác chăng, đó là “nhiệm vụ” gánh vác lưu thông, từ hành khách đến hàng hóa ngày một nặng nề hơn, bởi lưu lượng đã tăng lên gấp nhiều lần…
Thử hình dung, hơn 20 năm trước - tức là từ những năm đầu Bình Dương tái lập - nền kinh tế tỉnh nhà bắt đầu phát triển. Mũi nhọn công nghiệp của Bình Dương thời điểm đó cũng chỉ tập trung ở địa bàn phía nam, chủ yếu vẫn là Thuận An và Dĩ An. Kinh tế dịch vụ của tỉnh vẫn chưa phát triển mạnh, có chăng cũng từ Thủ Dầu Một đổ về hai địa bàn công nghiệp vừa nêu. Và, khi tuyến giao thông huyết huyết mạch này mở rộng, nâng cấp, là trục “xương sống” theo chiều Bắc - Nam đủ sức “gánh vác” nền kinh tế, đã trở thành “chiếc cầu” hữu hiệu, là động lực phát triển cho cả nền kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ - đô thị.
Trục quốc lộ 13 hiện hữu với 6 làn xe xuyên suốt địa bàn tỉnh qua các địa phương: TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng. Cũng trên trục quốc lộ này là sự kết nối, liên thông với hàng loạt khu công nghiệp, từ VSIP, Việt Hương, Đồng An cho đến Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, Bàu Bàng… Những chuyến hàng đi, về, ngang, tắt ra vào nhà máy, xí nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đều được tuyến đường này “gánh vác”.
Hiện tại, nếu chọn điểm đầu giáp ranh TP.Hồ Chí Minh, ngay chân cầu Vĩnh Bình, thẳng tiến về Bàu Bàng và mở tầm mắt quan sát, hẳn người đi đường sẽ thấy sức bật từ tuyến đường này mang lại. Ngoài động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là “kéo” công nghiệp về Bến Cát, Bàu Bàng một cách thuận lợi nhất, có thể thấy rất rõ sức phát triển của kinh tế dịch vụ, đô thị dọc các địa bàn có tuyến đường đi qua. Đô thị Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng rõ ràng có một diện mạo mới, sầm uất, giàu sức sống. Hai bên tuyến quốc lộ 13 là phố nối phố, nhà nối nhà, chung cư cao tầng, trụ sở ngân hàng, siêu thị, trung tâm thương mại san sát, vươn cao…
Hơn hai thập niên “gánh vác” nhiệm vụ phát triển rồi cũng đã đến lúc tuyến giao thông huyết mạch này quá tải, “năng lực” hiện hữu không đáp ứng được yêu cầu. Cũng chính vì vậy việc Bình Dương tiếp tục đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng thêm một lần nữa nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới đã thể hiện một tầm nhìn phát triển. Từ 6 làn xe, quốc lộ 13 sẽ mở rộng thành 8 làn xe, cùng với các hạng mục vỉa hè, cây xanh, thoát nước… đồng bộ, không chỉ được kỳ vọng về việc giải tỏa áp lực giao thông, kết nối vùng, mà đó còn là “cú hích” tiếp theo để đô thị Bình Dương thêm văn minh, hiện đại.
2. Cùng nhiệm vụ giao thông đối nội, đối ngoại, cũng là trục “xương sống” Bắc - Nam, đường Mỹ Phước - Tân Vạn vừa đưa vào vận hành đã cho thấy tầm quan trọng trong “sứ mệnh” chuyển chở nền kinh tế, chia sẻ áp lực giao thông vốn rất nặng nề của quốc lộ 13. Xây dựng tuyến đường này, theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Dương đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược trước tốc độ phát triển cao của kinh tế - xã hội, không chỉ riêng Bình Dương, mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây nguyên.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đưa vào vận hành đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông, vận tải hàng hóa không chỉ của riêng Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG AN
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 62km, 6 làn xe, đi qua 5 địa phương: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát, Bàu Bàng, đều là những địa bàn trọng điểm công nghiệp của tỉnh nhà. Rõ ràng, cùng với quốc lộ 13, tuyến đường này đóng một vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đặc biệt là chủ trương phát triển công nghiệp về phía bắc của Bình Dương.
Nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương nhiều năm qua tương đối lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết những đòi hỏi cấp bách, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Với số vốn đầu tư tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn lên đến 4.300 tỷ đồng, Bình Dương đã mời gọi đồng vốn xã hội hóa với sự tham gia của những đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực mạnh. Và, dự án trọng điểm này đã được Tổng Công ty Becamex IDC đảm nhận đầu tư. Bằng tiềm lực, kinh nghiệm của một thương hiệu mạnh trong đầu tư phát triển, sau một thời gian ngắn, đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được đưa vào vận hành, đáp ứng rất kịp thời nhu cầu lưu thông. P h ư ơ n g thức huy đ ộ n g vốn đầu tư tuyến đ ư ờ n g M ỹ Phước - Tân Vạn cũng được chuyên gia đánh giá là sáng tạo, phù hợp, cần phát huy. Hơn thế, trong yêu cầu phát triển chung của cả vùng, việc kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương bằng những dự án xứng tầm, liên thông cũng đã được Bình Dương thể hiện qua các công trình, dự án đã và đang được triển khai. Trong đó, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13 là minh chứng.
Hiện trạng giao thông của Bình Dương được nhìn nhận là đồng bộ, hiện đại, từ giao thông đối nội cũng như đối ngoại. Nhưng, trước nhu cầu phát triển, đặc biệt là tốc độ phát triển cao của nền kinh tế, Bình Dương đang huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phục vụ trong giai đoạn mới với những mục tiêu cao hơn. Trong tiến trình xây dựng, phát triển, từ dự án thành phần đến bức tranh tổng thể nền kinh tế - xã hội, hẳn rằng không thể tránh khỏi những hạn chế, vướng mắc. Nhưng tin rằng, trong tâm thế và tầm nhìn, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiến trình vươn tới giàu mạnh, thông minh của Bình Dương sẽ rộng mở, thuận hòa.
TRIỆU PHONG