“Tình cảnh chung của các cửa hàng thời trang là... ế!”. Chủ một shop thời trang trên đường Yersin cho biết ngắn gọn như thế khi tôi hỏi: “Buôn bán thế nào chị?”. Phố thời trang trên đường Yersin
Phố thời trang trên đường Yersin, TP.TDM hay một dãy shop trên đường Cách Mạng Tháng Tám và rải rác những nơi khác gần trung tâm chợ Thủ khá vắng khách. Mặc cho chủ shop làm đủ cách: liên tục thay đổi mẫu cho... ma-nơ-canh, bài trí lại cửa hàng, nhập hàng mới, khuyến mại... thì khách vẫn lác đác vài người. Chủ shop thời trang có tiếng với một thời buôn bán khá “mát tay” giờ buồn buồn cho biết: “Khách chỉ lai rai thôi em ạ. Chủ yếu là chị giữ những mối quen, tình hình chung mà!”. Nhiều shop đã chấp nhận “bán rẻ” hàng để sang shop. Theo họ, tiền thuê mặt bằng, tiền công trả nhân viên rồi bao nhiêu khoản phí khác làm họ “kham không nổi”. Thế nên mới có tình trạng khuyến mại đến mức... không thể tin được khi trước cửa hàng được dán một thông báo quảng cáo là giảm giá từ 50 - 70%. Một vài chủ shop “nóng ruột” với tình hình buôn bán ế ẩm nên dựng thêm vài cái giá sắt trước cửa tiệm để bày bán hàng giảm giá nhưng cũng rất ít người ghé mua.
“Buôn bán giờ ế ẩm quá!” cũng là lời than chung của những chủ shop và nhân viên bán hàng. Những cửa hàng thời trang khá... hoành tráng tại các siêu thị cũng chung số phận khi rất ít người ghé qua. Cho dù có ghé qua cũng nhìn sơ sơ rồi đi chứ không mặn mà lắm để tìm mua một bộ đồ ưng ý. Tôi hỏi một chị dắt con gái chừng 15 - 16 tuổi đi mua quần áo khi chị chỉ... lượn một vòng rồi đi ở một quầy quần áo tại siêu thị, chị nói: “Giá mắc quá! Nhìn thấy... choáng liền. Giờ cái gì cũng đắt đỏ nên mua hàng rẻ rẻ chứ biết làm sao. Thôi, ra chợ... gà mua đồ cũng được con”.
Không biết từ đâu, “chợ gà” tại chợ Thủ lại trở thành... trung tâm mua sắm thời trang bình dân và không biết từ đâu, từ chợ gà chuyển sang chợ quần áo! Nhưng càng ngày, càng có nhiều người hẹn nhau đi chợ gà, chợ đêm mua quần áo. Dạo quanh các khu chợ bán quần áo giá bình dân này thì không khí tấp nập hơn hẳn so với các shop thời trang nhấp nháy ánh đèn, nhạc xập xình và sang trọng. Tôi gặp Minh, một nhân viên văn phòng nhưng vẫn tìm mua quần áo tại các shop... vỉa hè! Theo cô thì giá cả ở đây từ 40.000 đồng trở lên là có cái áo mặc được. Trong khi vào shop cái nào giá cũng vài trăm. Lương tăng thì chi phí cho bao nhiêu khoản tăng theo nên cô phải luôn trong “tư thế” tiết kiệm. Tháng nào nhận lương xong mà lỡ “vung tay quá trán” là thiếu hụt ngay.
Thời trang bình dân ngày càng cạnh tranh với “hàng shop” nên việc kinh doanh mặt hàng này ngày càng khó khăn. Đó là chưa kể tình trạng hàng nhái, hàng lỗi của các công ty “trà trộn” làm cho người mua khó bề phân biệt được. Và, khi mà chất lượng hàng hóa chưa tương ứng với giá cả thì người ta lại chọn hàng giá rẻ cho khỏi bị hớ! Chị Thủy, một “tín đồ thời trang” cũng cho biết: “Tình hình kinh doanh khó khăn nên nhiều nơi lấy hàng kém chất lượng lại bán giá cao, khách hàng vì thế chọn hàng chợ là phải rồi. Gần đây, tôi cũng chỉ đến những shop quen, làm ăn uy tín để biết chắc món hàng mình mua là hàng thật với đúng giá trị của nó chứ không đi lựa chọn lung tung như trước nữa”.
Với tình hình khó khăn này, để khách hàng không “quay lưng”, chủ shop muốn tồn tại, phát triển cũng chỉ còn cách mua bán uy tín, giá cả cạnh tranh. Bởi nếu không, càng ngày càng “chịu không xiết” với thời trang hàng chợ!
H. Cần