Khi SEA Games 31 hạ màn, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) giành ngôi nhất toàn đoàn với 205 huy chương vàng. Đó là thành tích ấn tượng của nền thể thao nước nhà. Tuy nhiên, hơn hết, ngoài sự trỗi dậy mạnh mẽ của TTVN sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam còn ghi điểm đặc biệt trong mắt bạn bè khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
CĐV Việt Nam hỗ trợ CĐV Thái Lan trong việc di chuyển, lấy vé vào sân trong suốt hành trình tại SEA Games 31. Ảnh: THÁI HẢI
Việt Nam thân thiện, hữu nghị
“Cám ơn Việt Nam!”, là câu nói mà cánh phóng viên thể thao chúng tôi đã nghe rất nhiều trong suốt hành trình gần 20 ngày tác nghiệp tại SEA Games 31. Đó là lời cảm ơn chân thành đến từ những cổ động viên (CĐV) Thái Lan, những người bạn lâu năm của CĐV Việt Nam. Họ nói “Cám ơn Việt Nam!” bằng tiếng Việt khá “sõi” khi đã có nhiều lần cùng cổ vũ cho hai nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan ở nhiều sân chơi khác nhau. Không chỉ với CĐV Thái Lan, CĐV nước chủ nhà đã hỗ trợ những người bạn đến từ Malaysia, Lào và Campuchia rất nhiều trong việc di chuyển dễ dàng giữa các địa điểm thi đấu tại Hà Nội, Quảng Ninh hay Nam Định… Không chỉ có vậy, khán giả Việt còn giúp những người bạn này dễ dàng hơn trong việc sở hữu những tấm vé vào sân xem môn bóng đá nam và nữ vốn dĩ được phát miễn phí. Nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của những CĐV Việt Nam, sẽ rất khó cho các CĐV này sở hữu được những tấm vé vào sân xem bóng đá giữa rừng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
“Thực sự phải dành sự cảm ơn chân thành đến những người bạn Việt Nam của tôi. Họ đã hỗ trợ nhóm CĐV Thái Lan chúng tôi rất nhiều trong suốt thời gian lưu lại đây xem SEA Games 31 và cổ vũ cho các đội tuyển Thái Lan thi đấu. Sự hỗ trợ của các bạn đã giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc di chuyển giữa các địa điểm thi đấu, dễ dàng trong việc tìm kiếm chỗ ở phù hợp và thuận tiện trong việc tìm kiếm những món ăn hợp khẩu vị. Xin cám ơn Việt Nam!”, anh Chai Deepblue, một CĐV Thái Lan chia sẻ sau 18 ngày sang Việt Nam xem SEA Games 31 và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của một nhóm CĐV Việt Nam.
Gây ấn tượng với vận động viên, huấn luyện viên
SEA Games 31 có tất cả 40 môn thi đấu được tổ chức ở 11 tỉnh, thành. Điều này đồng nghĩa với việc nước chủ nhà cần có rất nhiều đội ngũ tình nguyện viên (TNV) hỗ trợ các đoàn trong việc di chuyển thi đấu cũng như tham quan các danh lam thắng cảnh mỗi khi họ có nhu cầu. Ngoài công tác tổ chức chuyên nghiệp từ sân bãi đến các khu liên hợp thể thao, công tác hậu cần cũng được Ban Tổ chức SEA Games 31 chuẩn bị khá chu đáo. Đón tiếp 11 đoàn thể thao trong khu vực, cũng đồng nghĩa với việc phải lo ăn uống, nghỉ ngơi cho gần 5.000 người, đặc biệt là ẩm thực, vì đoàn có “gu” ẩm thực riêng. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, nước chủ nhà đã lo chu toàn từ khâu ăn uống, sinh hoạt và ngủ nghỉ cho tất cả 11 đoàn tham dự SEA Games 31 dù cho chúng ta trở lại “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 chưa bao lâu.
VĐV điền kinh Felisberto de Deus ăn mừng với hai lá cờ Timor Leste và Việt Nam sau khi giành tấm huy chương bạc lịch sử nội dung 10.000m. Ảnh: HOÀNG LINH
“Thanks you Việt Nam!”, là câu nói của rất nhiều vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) của 11 đoàn thể thao trong khu vực thường xuyên dùng để cảm ơn đội ngũ TNV người Việt. Chúng tôi cảm nhận thấy sự chân thành của các câu nói ấy vì sau khi đến Việt Nam thi đấu, họ được thi tham quan và trải nghiệm thực tế về đất nước, con người Việt chân chất, thật thà và cực kỳ mến khách. Trong suốt SEA Games 31, sau những lúc thi đấu căng thẳng, mệt nhọc, các đoàn thường chọn cách đi tham quan những danh lam thắng cảnh đẹp ở Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh. Để đi đến được những địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Tuần Châu, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Tây… các đoàn VĐV các nước thường phải nhờ đến những “cánh tay nối dài” là các TNV Việt Nam. Họ, những TNV nhiệt tình, ngoài việc phụ trách chuyên môn, phiên dịch, đôi khi cũng kiêm luôn việc làm hướng dẫn viên du lịch cho các VĐV, HLV mỗi khi họ đi tham quan các địa điểm nổi tiếng gần địa điểm diễn ra các môn thi đấu. Và trong suốt khoảng thời gian lưu lại ở đất nước hình chữ S này, dù cho có đi đến đâu, bạn bè trong khu vực Đông Nam Á đều cảm nhận được sự thân thiện, nồng hậu, mến khách của người dân Việt Nam.
Thể thao gắn kết cộng đồng
Gần 5.000 VĐV đặt chân đến Việt Nam tham dự SEA Games 31, mỗi người đều có ấn tượng riêng về dải đất hình chữ S. Trong số này, người có nhiều tình cảm với Việt Nam và dành được sự quan tâm nhiều nhất của giới truyền thông nước nhà chính là VĐV điền kinh Felisberto de Deus của Timor Leste. Một mình sang Việt Nam thi đấu, không có người thân bạn bè đi cùng, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, Felisberto de Deus đã thi đấu ấn tượng để mang về 2 tấm huy chương bạc quý giá cho Timor Leste ở hai nội dung chạy 5.000m và 10.000m. Đáng chú ý, tấm huy chương bạc ở nội dung 5.000m mà Felisberto de Deus giành được đã giúp cho Timor Leste có được tấm huy chương đầu tiên ở môn điền kinh kể từ khi tham dự SEA Games. Đó cũng là tấm huy chương giúp cho 11 đoàn thể thao Đông Nam Á cùng ghi tên mình lên bảng tổng sắp huy chương.
Một mình thi đấu mang vinh quang về cho Timor Leste, nhưng sau vạch về đích ở nội dung chạy 10.000m, Felisberto de Deus lại cô đơn khi không biết chia vui cùng ai. Sau khi được TNV đưa cho lá cờ của Timor Leste, Felisberto de Deus xin thêm lá cờ của Việt Nam. Cuối cùng, chàng trai năm nay 23 tuổi chạy lại nắm tay hai VĐV của Việt Nam là Nguyễn Văn Lai (huy chương vàng nội dung 10.000m) và Lê Văn Thao (huy chương đồng nội dung 10.000m) để cùng chia vui với những người đồng nghiệp sau khi giành được tấm huy chương bạc thứ 2. Ấn tượng với những gì Felisberto de Deus đã làm được, CĐV Việt Nam đã tặng anh một vài món quà kỷ niệm trước khi về nhà, như: Cờ Việt Nam, nón lá, mũ cối, bánh đậu xanh, bánh cốm… Hình ảnh Felisberto de Deus nằm ngủ tại sân bay Malaysia chờ nối chuyến về Timor Leste nhưng vẫn ôm lá cờ Việt Nam và để nón cối trên mình khiến nhiều người xúc động.
Chia sẻ về những ngày tháng vui vẻ khi sang thi đấu tại SEA Games 31, Felisberto de Deus cho biết: “Tôi rất xúc động bởi sự quan tâm đặc biệt của CĐV Việt Nam dành cho đội điền kinh Timor Leste. Họ đã cho chúng tôi cảm xúc khó quên trong hai tuần thi đấu. Đây là lần đầu tiên tôi được nhiều người ở nước ngoài biết đến khi ra đường. Người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung vô cùng thân thiện, dễ mến và tốt bụng. Mọi người cho tôi cảm giác như được ở nhà. Chắc chắn, Việt Nam chính là quê hương thứ hai của tôi. Nếu có điều kiện, nhất định tôi sẽ đưa gia đình quay trở lại Hà Nội”.
Đón tiếp 11 đoàn thể thao trong khu vực, cũng đồng nghĩa với việc phải lo ăn uống, nghỉ ngơi cho gần 5.000 người, đặc biệt là ẩm thực, vì đoàn có “gu” ẩm thực riêng. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, nước chủ nhà đã lo chu toàn từ khâu ăn uống, sinh hoạt và ngủ nghỉ cho tất cả 11 đoàn tham dự SEA Games 31 dù cho chúng ta trở lại “bình thường mới” sau đại dịch Covid-19 chưa bao lâu. |
THÁI HẢI